Suy thoái kinh tế có thể xem là liều thuốc đủ mạnh để kiểm định chất lượng dòng vốn đầu tư và cũng đến lúc chính quyền TP. Đà Nẵng không còn quan trọng về số lượng dự án đầu tư, mà tập trung tìm giải pháp nâng chất lượng dòng vốn đầu tư.
Khơi thông được dòng vốn đầu tư bất động sản, kinh tế Đà Nẵng sẽ khởi sắc
Chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu vốn đầu tư vào Đà Nẵng, lĩnh vực bất động sản và du lịch được nhìn nhận như là hướng đi chủ lực của kinh tế Thành phố.
Điều này đồng nghĩa, nếu khơi thông tốt dòng vốn này, ắt sẽ khơi thông được toàn bộ kinh tế địa phương. Đây chính là lý do khiến Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A)” được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tán thành.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, bất động sản luôn là lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng khá lớn xét về góc độ kinh tế, cũng như xã hội. Giá trị lớn thường đi đôi với rủi ro lớn, luôn nhạy cảm với chính sách vĩ mô và tác động của yếu tố bên ngoài. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để xây dựng sự bền vững và định giá lĩnh vực này ở mức bao nhiêu để giữ sự ổn định cho thị trường.
Hiện tại, nếu nhìn từ bên ngoài, nhiều người cho rằng, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và du lịch tại Đà Nẵng đang hẹp dần, nhưng thực tế không phải vậy. Nếu xét riêng khu vực trung tâm Thành phố, hiện có trên chục dự án đầu tư đang gặp khó, tiến thoái lưỡng nan. Khát vọng của chủ dự án là rất lớn, sự ủng hộ của chính quyền không thiếu, nhưng các dự án vẫn giậm chân tại chỗ chỉ vì lý do dòng tiền bị nghẽn.
Giới đầu tư bất động sản nhìn nhận, Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng thông qua hình thức M&A” lần đầu tiên tại TP. Đà Nẵng này sẽ là một giải pháp hữu hiệu để khơi thông dòng vốn đầu tư các dự án bất động sản Đà Nẵng. Nhiều người không kỳ vọng sẽ có sự thay đổi quá lớn, nhưng ít nhiều sẽ mở ra một cơ chế hợp tác cụ thể, qua đó các nhà đầu tư và chính quyền cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn hiện tại.
Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, Chủ tịch Hiệp hội FDI Đà Nẵng nhìn nhận, đây sẽ là diễn đàn để chính quyền TP. Đà Nẵng và doanh nghiệp có cái nhìn tổng quát về tình hình giao dịch M&A hiện nay, dự báo về xu hướng hoạt động M&A trong thời gian sắp đến và cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng.
Ông Minh cho rằng, thông qua những phần trình bày của diễn giả cũng như nội dung thảo luận của khách mời, hy vọng Hội thảo không chỉ cung cấp những thông tin hữu ích về cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng qua hình thức M&A, mà còn mang đến những cơ hội tốt cho các doanh nghiệp mời gọi đầu tư và tìm kiếm đối tác trong các dự án của mình.
“Việc đề xuất xây dựng các chính sách cởi mở, thông thoáng cũng là một trong những mục tiêu chính của Hội thảo hôm nay, góp phần mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp, giúp các dự án đầu tư bất động sản đang gặp khó khăn được khơi thông nút thắt và triển khai nhanh hơn”, ông Minh nhìn nhận.
Ông Trần Ngọc Điệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng nhìn nhận, hoạt động M&A trên thế giới không còn là điều mới mẻ, nhưng đối với Việt Nam nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng, đây còn là một hướng đi khá mới trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Ông Điệp cho rằng, nhìn lại bối cảnh kinh tế cả nước trong vòng 5 năm qua, hoạt động M&A đã và đang tăng nhanh chóng cả về số lượng và giá trị. Đặc biệt, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), TP. Đà Nẵng được xem như là điểm đến đầu tư hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng nhanh chóng, dân số trẻ, môi trường đầu tư thuận lợi, cùng với chi phí thấp và tốc độ đô thị hóa cao.
Tuy nhiên, theo ông Điệp, để hoạt động M&A là công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, chúng ta cần phải có những bước đi đúng hướng và hợp lý để xây dựng nên một thị trường M&A hiệu quả, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt đông đầu tư của các doanh nghiệp tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Dưới góc độ phát triển các dự án bất động sản, ông Shin Yong Kyu, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển Hàn Quốc cho rằng, nới lỏng chính sách về M&A sẽ giúp cho thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ tốt hơn. Ông Shin Yong Kyu khẳng định, chính sách M&A thoáng và mở có thể tạo cơ hội kinh doanh cho bất cứ quốc gia nào.
Theo ông Shin Yong Kyu, Đà Nẵng có một thị trường bất động sản tiềm năng rất dồi dào, tuy nhiên tốc độ phục hồi thị trường bất động sản phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm cả xã hội, chính trị, kinh tế… và nó đã hồi phục từ từ. Chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ là một phương pháp tốt nhất để tăng sức hấp dẫn môi trường đầu tư.
“Lý do lớn nhất làm thị trường bất động sản chậm phục hồi là tình trạng kinh tế yếu kém do trải qua giai đoạn khó khăn. Theo đó, để phục hồi nhanh chóng, Chính phủ phải nới lỏng hơn nữa về thuế, bao gồm cả thanh toán thuế chậm nộp, như gia hạn thêm thời gian nộp thuế. Điều này có thể giúp tình hình tài chính của các doanh nghiệp tốt hớn nhiều và thị trường bất động sản được kích hoạt một cách nhanh chóng”, ông Shin Yong Kyu nói.