Tại Hội nghị bàn tròn giữa UBND TP.HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JBAH) diễn ra cuối tuần qua, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật hiện chiếm 1/10 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn Thành phố, nhưng nguồn vốn này chưa đạt như kỳ vọng trong năm nay.
Trước những khó khăn của nhà đầu tư Nhật Bản, TP.HCM sẽ lập đường dây nóng hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài
“Năm nay, Thành phố thu hút thêm khoảng 300 triệu USD vốn đầu tư Nhật Bản, chưa có sự đột biến như mong đợi. Hy vọng thời gian tới, nguồn vốn này sẽ tăng hơn nữa”, ông Lê Mạnh Hà đánh giá.
Chia sẻ vấn đề này, ông Hyakkoku Hiroto, Chủ tịch JBAH cho rằng, gần đây, một số nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á trỗi dậy, khiến nhà đầu tư Nhật Bản có sự quan tâm nhất định, nên ảnh hưởng đến việc thu hút nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.
“Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa mới có thể thu hút thêm được nhà đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng từ Nhật Bản”, ông Hyakkoku Hiroto nói.
Điều mà ông Hyakkoku Hiroto đặc biệt quan tâm hiện nay là Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH2013 (ban hành ngày 16/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015), với quy định: người nước ngoài phải xin giấy phép trước khi nhập cảnh.
“Nghe tin này, chúng tôi rất lo lắng, vì nếu trong vòng 1 tháng mà chuyên gia Nhật Bản không xin được giấy phép xuất nhập cảnh, thì những doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam sẽ rất khó khăn. Tôi nghĩ, đây không phải là vấn đề riêng của TP.HCM, mà là của cả Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm việc với Tổng lãnh sự quán Nhật Bản để làm việc với các cơ quan liên quan của Việt Nam về vấn đề này”, ông Hyakkoku Hiroto nói và cho rằng, cần tổ chức nhiều hội nghị bàn tròn để kịp thời giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư Nhật Bản.
Ở góc độ khác, ông Saki Kumikiko, đại diện Nhóm giải pháp an toàn - giao thông vận tải - cơ sở hạ tầng (thuộc JBAH) bức xúc về tình trạng mất an toàn giao thông, kẹt xe... thường xuyên xảy ra tại TP.HCM, gây bất an đối với 7.000 người Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại khu vực phía Nam.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng phản ánh tình trạng phải chi hoa hồng trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu...
Trước những bức xúc nêu trên, ông Lê Mạnh Hà cho biết, với vấn đề doanh nghiệp phải chi hoa hồng khi làm thủ tục xuất nhập khẩu, lãnh đạo Thành phố đã làm việc với cơ quan hải quan. Định kỳ, cơ quan này có đánh giá nghiệp vụ của công chức (bắt đầu từ ngày 26/8/2014), nên đến nay, hải quan đã có cải tiến rõ nét trong vấn đề này.
Liên quan đến đề xuất lập đường dây nóng để giải quyết nhanh khó khăn, bức xúc của nhà đầu tư, ông Lê Mạnh Hà cam kết, Thành phố sẽ sớm có đường dây nóng để các nhà đầu tư phản ánh nhiều vấn đề bức xúc, chứ không riêng lĩnh vực hải quan. “Chúng tôi đã kiến nghị với Bộ thông tin và Truyền thông cấp cho TP.HCM số đường dây nóng ngắn cho dễ nhớ. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm triển khai thực hiện việc này và thông báo lại cho doanh nghiệp biết”, ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.