Các Hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam sắp ký kết với Liên minh châu Âu (EU), Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương khiến nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng trở nên “cuốn hút” đối với các nhà đầu tư châu Âu.
Nicola Connolly (giữa) đang nói về nội dung cuốn Sách Trắng mà bà cầm trên tay - Ảnh: Thuỳ Dung
Đây là thông tin được đưa tra trong buổi họp báo công bố Sách Trắng 2015 của Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) diễn ra chiều tối ngày 2-12 tại Hà Nội.
Theo khảo sát về chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) lần thứ 16 của Eurocham được đề cập trong Sách Trắng 2015, niềm tin và kỳ vọng vào tương lai của các doanh nghiệp EU tiếp tục được cải thiện. Trong quí 3-2014, chỉ số này đã tăng từ 66 lên 74 trên thang điểm 100, mức điểm cao thứ nhì từ trước tới nay.
Chỉ số BCI cao như vậy, theo bà Nicola Connolly, Chủ tịch Eurocham, là do sự kỳ vọng của cộng đồng kinh doanh vào các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam có thể kết thúc trong năm 2015. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận thấy các vấn đề mà họ gặp phải trong những tháng trước đó đã được cải thiện.
Ông Franz Jessen, Đại sứ liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho răng việc ký kết FTA Việt Nam-EU sẽ không chỉ tạo cơ hội mở rộng hoạt động đầu tư và thương mại với khu vực EU mà còn kỳ vọng giúp GDP của Việt Nam tăng mạnh; giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU dự báo sẽ tăng khoảng 30-40% và nhập khẩu từ EU tăng 25 -35%. Trong đó, ngành dệt may, giày da, nông nghiệp công nghệ cao và ngành sản xuất động cơ sẽ là những ngành được hưởng lợi nhất từ việc cắt giảm thuế quan.
Song FTA không phải tất cả, Ông Nicolas Audier, Trưởng nhóm phụ trách về Sách Trắng 2015, nói rằng các doanh nghiệp châu Âu còn nhìn thấy cơ hội lớn từ việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. AEC được kỳ vọng sẽ trở thành một khu vực trong đó hàng hoá có thể lưu thông tự do, thuế hải quan trên hàng hoá sẽ giảm dần xuống mức 0%. AEC cũng cho phép dịch chuyển tự do dịch vụ, lao động và dòng vốn đầu tư vào khu vực.
“Khi đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi không chỉ nhìn thấy một thị trường Việt Nam đơn lẻ mà là thị trường ASEAN với hơn 600 triệu dân” – ông Nicolas Audier nói.
Bên cạnh FTA, AEC, một điểm cộng cho môi trường đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới chính là việc Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một hiệp định đầy tham vọng với sự tham gia của các 12 nước thành viên. Hiệp định này sẽ giúp tạo ra một khu vực với tổng GDP 28.000 tỉ đô la Mỹ và chiếm khoảng 39% GDP của toàn thế giới.
Các nhà đầu tư EU cho rằng, họ mong chờ các hiệp định này được ký kết vì ngoài việc giảm thuế thì tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và khuôn khổ pháp lý sẽ được thực hiện nhất quán.
Sách Trắng 2015 là cuốn sách thường niên thứ 7 mà EuroCham phát hành. Cuốn sách tóm tắt các vấn đề then chốt của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Chính phủ Việt Nam. Nội dung của sách Trắng đề cập đến nhiều lĩnh vực chính mà gần 800 doanh nghiệp hội viên EuroCham đang hoạt động, bao gồm cả các ngành nông nghiệp, an toàn thực phẩm, tài chính ngân hàng, hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ thông tin, du lịch và khách sạn.