Ông Han Myong-sup, Phó chủ tịch Samsung Electronics vừa chính thức nhậm chức Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về chiến lược đầu tư của Samsung tại Việt Nam.
Trước hết, xin chúc mừng ông vừa tiếp nhận vị trí mới ở Việt Nam. Ông là vị quan chức cấp cao nhất từ trước tới nay của Samsung Electronics được cử sang làm lãnh đạo của Samsung Việt Nam. Điều này có ý nghĩa như thế nào?
Thứ nhất, đó là vì vị trí, vai trò của Samsung Electronics Việt Nam được Tập đoàn đánh giá rất cao nên đã cử cán bộ cấp cao hơn đến Việt Nam làm Tổng giám đốc.
|
Ông Han Myong-sup, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam |
Thứ hai là kế hoạch đầu tư của Samsung tại Việt Nam ngày càng lớn và sẽ không dừng ở đây, mà càng phát triển mạnh mẽ hơn. Việt Nam đang dần trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của Samsung. Chúng tôi đánh giá cao vai trò của thị trường Việt Nam và đó cũng là lý do vì sao tôi đến đây.
Samsung vừa có một quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận sụt giảm. Điều này có ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của Samsung tại Việt Nam không, thưa ông?
Riêng về chuyện lợi nhuận sụt giảm thời gian qua, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục và khắc phục triệt để. Còn kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi vẫn thực hiện đúng cam kết của mình, không có gì thay đổi. Cá nhân tôi cũng sẽ làm hết sức mình cho sự phát triển của Samsung tại Việt Nam.
Vậy ông có thể chia sẻ chiến lược đầu tư của Samsung tại Việt Nam? Với tư cách là tân Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, ông sẽ làm gì để Samsung tiếp tục thành công tại Việt Nam?
Samsung Electronics Việt Nam có thể nói là một doanh nghiệp (DN) có vai trò quan trọng không chỉ đối với Tập đoàn Samsung Electronics, mà còn đối với cả Việt Nam. Vì thế, chúng tôi đến đây với mục đích mang đến sự thành công cho Samsung và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, cũng như hỗ trợ các DN khác của Việt Nam phát triển. Minh chứng là, Samsung Electronics Việt Nam hiện đóng góp khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tuyển dụng hơn 73.000 cán bộ, nhân viên.
Samsung Eletronics Việt Nam cũng có nhà máy đầu tiên của Samsung trên toàn cầu có dây chuyền sản xuất khép kín từ linh kiện cho đến sản phẩm hoàn thiện. Vì vậy, tôi và các nhân viên của mình sẽ đồng sức, đồng lòng đồng để duy trì và phát huy hơn nữa vị thế đó.
Samsung hiện đã đầu tư hơn 11,2 tỷ USD tại Việt Nam, trong đó riêng Samsung Electronics là 9,4 tỷ USD. Cũng vì đầu tư lớn như vậy nên Samsung đã nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, một số quan điểm lại phản đối chuyện ưu đãi như vậy. Ông có bình luận gì về điều này?
Chúng tôi nghĩ rằng, việc Chính phủ Việt Nam dành cho Samsung những chính sách ưu đãi đầu tư là vì việc đầu tư của chúng tôi có tầm chiến lược lớn. Bản thân Hàn Quốc cũng vậy, muốn thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt vào những lĩnh vực mà tự thân các DN Hàn Quốc không phát triển được, thì cũng đều dành các cơ chế ưu đãi đầu tư cho các DN đó.
Theo tôi, đó là điều tất yếu của quá trình phát triển, chứ không có gì đặc biệt.
Việc quyết định ưu đãi đầu tư thế nào là phụ thuộc vào sự lựa chọn của Chính phủ dựa trên đánh giá xem công ty nào có đóng góp cho sự phát triển của quốc gia. Hơn nữa, ưu đãi đầu tư, đặc biệt là về thuế, chỉ có thời hạn nhất định. Cùng với việc được hưởng ưu đãi đầu tư, thì Samsung cũng sẽ trở thành một đầu mối đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam.
Một trong những mong muốn của Việt Nam khi thu hút đầu tư của Samsung là muốn Samsung chuyển giao công nghệ, cũng như hỗ trợ DN Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Samsung có làm như vậy không, thưa ông?
Thực tế, Samsung đang cố gắng đi những bước đầu tiên để thực hiện mong muốn đó. Với những dự án đầu tư quy mô lớn về linh kiện, bán dẫn mà Samsung đang thực hiện tại Việt Nam, những dự án rất tốn thời gian để thực hiện, có khi lên đến mấy chục năm, chứ không phải một sớm một chiều, chúng tôi mong muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam.
Còn với DN Việt Nam, vấn đề ở đây không phải là, làm thế nào để Samsung đặt hàng mua linh kiện của một DN nội địa, mà quan trọng là làm sao để các DN có nền tảng nhất định và có năng lực để đáp ứng yêu cầu của Samsung.
Tôi cho rằng, bản thân các DN phải có tinh thần vượt qua mọi thử thách thì mới có thể làm được điều đó.