Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Đại diện IMF nói về bức tranh toàn cảnh về kinh tế Việt Nam
Ngày: 4/15/2015 1:07:10 PM
Việt Nam cần phải đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân.

Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, vừa có cuộc trao đổi với Wall Street Journal về tình hình kinh tế Việt Nam và những việc Việt Nam cần làm để đạt tăng trưởng bền vững trong những năm tới.

Theo ông, Việt Nam đã duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô trong hơn hai năm qua, với mức lạm phát giảm xuống một con số trong thời gian khá dài. Tăng trưởng GDP hồi phục ở mức khoảng 6% vào năm 2014 nhờ tăng trưởng xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh.

Nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng nhẹ, bên cạnh những dấu hiệu ban đầu cho thấy ngành bất động sản và xây dựng đang dần khởi sắc. Tỷ giá hối đoái tiếp tục ổn định, cán cân vãng lai thặng dư và dự trữ ngoại hối đã tăng lên từ mức đáy ghi nhận vào giữa năm 2011.

Gam màu sáng

Đại diện IMF cho rằng, Việt Nam đã quay trở lại thị trường vốn quốc tế với đợt phát hành trái phiếu 1 tỷ USD trong năm 2014 với các điều kiện thuận lợi. Thâm hụt ngân sách tăng và việc bảo lãnh nợ của các doanh nghiệp quốc doanh đã dẫn tới tăng nợ công và nợ được nhà nước bảo lãnh, tới mức đáng lo ngại.

Ông Sanjay Kalra cũng đánh giá Việt Nam đã đạt tiến bộ đáng kể trong cải cách cơ cấu kinh tế, đặc biệt trong ngành ngân hàng. Một số vụ sáp nhập ngân hàng đã được thực hiện, và điều này làm giảm gánh nặng đối với Ngân hàng Nhà nước. Sáp nhập các ngân hàng yếu sẽ giải quyết được các vấn đề trước mắt, nhưng cải cách toàn diện - bao gồm giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, tăng vốn dự phòng, và cải thiện lợi nhuận - cần được cụ thể hóa và đẩy nhanh tốc độ thực hiện.

Nhận định về ảnh hưởng của giá dầu lên nền kinh tế Việt Nam, Đại diện IMF nhấn mạnh, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự giảm giá dầu trên thị trường thế giới. Trước hết, giá dầu giảm có thể làm tăng thu nhập thực tế và tiêu dùng. Giá dầu giảm cũng sẽ làm giảm chi phí sản xuất hàng hóa cuối cùng, từ đó tăng đầu tư và lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngoài ra, giá dầu giảm kéo lạm phát đi xuống và cải thiện cán cân thương mại.

Và những cơ hội

Ông Sanjay Kalra cũng gợi ý Việt Nam nên đang đa dạng hóa thị trường, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường nhất định. Ông đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn tất các vòng đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như cam kết của Việt Nam đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo ông, các hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho Việt Nam, thúc đẩy thương mại qua biên giới và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Điều này cũng giúp làm tăng nguồn cung đối với thị trường nội địa với những hàng hóa rẻ tiềm năng, qua đó đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Đại diện IMF lưu ý về những thách thức liên quan tới sự gia tăng cạnh tranh thương mại, đòi hỏi Việt Nam phải cải cách thể chế, tăng năng suất, và cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn. Đặc biệt, theo ông, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, như giữ lạm phát ở mức thấp, duy trì ổn định tỷ giá hối đoái và gia tăng niềm tin vào đồng Việt Nam (VND), sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự gia tăng lợi ích từ thương mại của Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm về nợ xấu của Việt Nam, ông Sanjay Kalra cho rằng, Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) đã hoạt động tích cực trong việc mua lại nợ xấu từ các ngân hàng, nhưng tốc độ cần phải được đẩy nhanh hơn nữa. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nợ và chuyển giao tài sản thế chấp gặp phải một số rào cản pháp lý, gây cản trở cho tiến trình giải quyết nợ xấu.

VAMC cần thúc đẩy việc xử lý các tài sản thế chấp, và vượt qua những trở ngại về pháp lý trong việc định đoạt tài sản thế chấp trên thị trường giao dịch nợ xấu. Nguồn nhân lực và tài chính là yếu tố quan trọng để VAMC có thể giải quyết những khoản nợ xấu trên thị trường giao dịch nợ xấu – một thị trường cũng cần có sự tham gia của các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài, ông gợi ý.

 

(Nguồn:VOV)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.