“Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang đứng trước nguy cơ không bán được hàng và phải đóng cửa trong thời gian tới”.
Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) hiện quản lý và vận hành Nhà máy vừa gửi lời tới các cơ quan hữu trách.
Lý do được BSR đưa ra là do sự thay đổi chính sách của Nhà nước. Cụ thể, từ ngày 1/1/2015, tại Biểu thuế đi kèm với Thông tư số 165/2014/TT-BTC, các mức thuế cụ thể với xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, khí hóa lỏng LPG và sản phẩm hóa dầu khác theo Thông tư 164/2013/TT-BTC và 186/2014/TT-BTC có mức thấp hơn đáng kể so với các mức thuế suất trong Biểu thuế ưu đãi hiện hành đang áp dụng cho xăng dầu, LPG và các sản phẩm hóa dầu nhập khẩu.
Theo đó, tại Thông tư số 165/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, xăng dầu có mã HS 2710 có thuế nhập khẩu chỉ là 20% trong giai đoạn 2015-2018. Đối với nhiên liệu diesel cho ô tô thuộc mã HS 27101971 và 27101972 có thuế nhập khẩu là 5% cho năm 2015 và sau đó giảm về 0% từ năm 2016 đến 2018. Dầu nhiên liệu có mã HS 27101979 có thuế suất 0% từ năm 2015 đến 2018.
Trong kiến nghị khẩn cấp cách đây khoảng 1 tháng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đã nêu rõ, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng hiện nay đối với BSR là 35% với xăng, 25% với Jet A1, 30% với dầu diesel, 5% với khí hóa lỏng LPG và 2% với hạt nhựa, trong khi các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nhập khẩu hàng có xuất xứ từ các nước ASEAN (với mức thuế nhập khẩu thấp theo Biểu thuế đi kèm với Thông tư số 165/2014/TT-BTC), thì sản phẩm của BSR không thể cạnh tranh được ngay tại thị trường nội địa.
Theo tính toán của BSR, mức chênh lệch giữa Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là rất lớn. Cụ thể, năm 2015, với giá dầu cơ sở 60 USD/thùng, sản phẩm xăng RON 95 chênh lệch 11,44 USD/thùng (tương đương 1.538 đồng/lít); xăng RON 92 là 10,92 USD/thùng (tương đương 1.469 đồng/lít). Đối với dầu mazut, chênh lệch thuế tạo ra chênh lệch giá khoảng 2,56 triệu đồng/tấn và mặt hàng nhựa PP có độ chênh lệch là 496.248 đồng/tấn.
Theo tính toán của PVN, với phương án BSR được phép áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt như hàng hóa có xuất xứ từ khu vực ASEAN, thì các khoản nộp ngân sách của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng sẽ giảm đáng kể. Cụ thể là giảm 14.305 tỷ đồng ngay trong năm 2015; còn giai đoạn 2016-2018, mỗi năm sẽ giảm khoảng 16.251 tỷ đồng.
Không chỉ giảm mức nộp cho ngân sách, mà nếu áp dụng thuế suất theo Thông tư 165/2014/TTBTC, PVN sẽ có trách nhiệm phải thực hiện cấp bù cho BSR theo mức 2% với dầu diesel, 5% với LPG và 3% với hạt nhựa PP theo các quy định và hướng dẫn hiện đang áp dụng cho BSR khi thực hiện cơ chế thu điều tiết theo Quyết định số 1942/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng, chỉ riêng năm 2015, PVN sẽ phải bỏ ra 1.065,7 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2018, mỗi năm là 3.011 tỷ đồng để bù cho BSR.
Cũng theo Quyết định số 1942/2009/QĐ-TTg và tiếp theo là các Quyết định 2299/2010/QĐ-TTg và Quyết định 952/2012/QĐ-TTg, thời gian áp dụng thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hóa dầu của BSR kéo dài tới hết năm 2018.
“Viễn cảnh phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ cho BSR, trong điều kiện giá dầu không còn ở mức cao như trước đây, khiến PVN cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân đối vốn cho hoạt động sản xuất- kinh doanh của Tập đoàn trong giai đoạn 2015-2018”, ông Ninh Văn Quỳnh, Phó tổng giám đốc PVN nhận định.
Ông Vũ Mạnh Tùng, Phó tổng giám đốc BSR cũng cho hay, với lý do bất khả kháng do thay đổi chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp ký hợp đồng với BSR sẽ từ chối không nhận hàng, do hàng từ BSR không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu có C/O form D, E (xuất xứ ASEAN). Việc bán hàng tại chỗ hàng tháng khoảng 100.000 tấn cũng sẽ có nguy cơ không tiêu thụ được, với lý do tương tự.
“Nếu cứ tiếp tục với các chính sách trên, thì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ đứng trước nguy cơ không bán được hàng và phải đóng cửa trong thời gian tới”, ông Tùng nhận xét và đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, có chính sách thuế phù hợp để đảm bảo cho BSR cạnh tranh được tại thị trường trong nước.