Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Trung Quốc sắp mất ngôi công xưởng của thế giới
Ngày: 5/4/2015 7:35:27 AM
Chỉ 10-15 năm tới, Đông Nam Á sẽ thay thế Trung Quốc trở thành nơi tập trung các đơn hàng của thế giới. Ngày càng nhiều nhà sản xuất đến với Đông Nam Á, cuối cùng sẽ dẫn đến sự thay thế Trung Quốc, vốn đang được coi là công xưởng của thế giới, Bloomberg nhận định.

Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á đang vươn lên để trở thành trụ cột thứ ba cho tăng trưởng khu vực, sau Trung Quốc và Ấn Độ, kinh tế trưởng của ANZ Glenn Maguire cho biết. Đến năm 2030, hơn một nửa số dân Đông Nam Á dưới 30 tuổi, trở thành tầng lớp trung lưu mới nổi với mức tiêu dùng cao.

"Chúng tôi tin rằng khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp quản vai trò công xưởng thế giới từ Trung Quốc trong 10-15 năm tới, khi các doanh nghiệp dịch chuyển để tận dụng lợi thế lao động giá rẻ và dồi dào tại khu vực như sông Mekong", ANZ nhận định.

Sự chuyển giao này đến từ việc kết nối thuận lợi trong khu vực, đó là những quốc gia có chi phí lao động thấp như Myanmar, Campuchia và Lào cùng các nước đang có nền sản xuất hiệu quả như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines hay các dây chuyền ở Singapore hay Malaysia. Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thành lập vào cuối năm 2015, hứa hẹn mở ra cơ hội chuyển dịch tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động giữa các quốc gia thành viên.

Nhờ đó, thương mại nội khối có thể lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2025, ANZ dự báo. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN cũng có thể lên tới 106 tỷ USD vào năm 2025, lớn hơn nhiều con số đầu tư vào Trung Quốc.

"Hầu hết các nước thành viên của ASEAN đều nằm ở ngã ba của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương", ANZ nhận xét. Với lợi thế về các tuyến đường bộ và hàng hải, ASEAN có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất mở rộng của châu  Á.

Việt Nam là cỗ máy sản xuất mới tại châu Á

Nếu trước đây, khi nghĩ tới gã khổng lồ sản xuất châu Á, người ta nhớ đến Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan, thì giờ cái tên nổi lên chính là Việt Nam, theo nhận định của Bloomberg.

Sụt nhẹ trong tháng 3/2015, song việc chỉ số sản xuất (PMI) của Việt Nam liên tục ở trên ngưỡng mở rộng (50 điểm) từ tháng 8/2013 là điều chưa quốc gia châu Á nào từng đạt được. Trong khi đó, PMI của Trung Quốc đã giảm 8 tháng trong cùng thời gian đó. Còn Thái Lan thậm chí co lại tới 22 tháng.

"Mấu chốt của sự cải thiện gần đây là cả sản lượng và đơn hàng mới đều tăng", HSBC and Markit cho biết trong báo cáo PMI tháng 3 của Việt Nam. Các công ty cũng có khả năng duy trì đơn hàng mới từ cả khách hàng trong nước và nước ngoài. "Giá hàng hóa giảm trên toàn cầu giảm đã khiến chi phí đầu vào thấp hơn", Andrew Harker - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Markit cho biết.

Năm ngoái, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ trong khối ASEAN. Với vị trí chiến lược, dân số trẻ và chi phí thấp hơn Trung Quốc, Việt Nam đang thu hút sự chú ý của nhiều hãng điện tử, như Samsung Electronics, Intel và Siemens, bên cạnh các hãng sản xuất giày dép và dệt may.

Lương nhân công ở Việt Nam khá thấp, chỉ khoảng 197 USD một tháng năm 2013, so với 391 USD của Thái Lan và 613 USD tại Trung Quốc, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Dân số tại đây cũng trẻ hơn, với chỉ khoảng 6% trên 65 tuổi. Tỷ lệ này tại Trung Quốc và Thái Lan vào khoảng 10% và Hàn Quốc là gần 13%.

Phần lớn hoạt động tại Việt Nam hiện vẫn là sản xuất giá trị thấp trong ngành dệt may, nội thất và điện tử. Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng việc này có thể thay thôi khi các công ty đang đầu tư vào đào tạo lao động và nghiên cứu - phát triển sản phẩm (R&D).

Hà Thu

 

(Nguồn:VNExpress)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.