Các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác lớn đang thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư Đài Loan.
Ông Berton B.C. Chiu, cố vấn kinh tế của Phòng Các dự án hội nhập kinh tế khu vực, thuộc Cục Ngoại thương (Bộ Kinh tế Đài Loan) cho biết, Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư lớn từ Đài Loan vì các nhà đầu tư từ nền kinh tế này nhận thấy nhiều lợi ích khi đầu tư vào Việt Nam - nơi đã và sẽ ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Theo ông Chiu, các doanh nghiệp Đài Loan có thể sử dụng Việt Nam làm cơ sở sản xuất chính và thiết lập các mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Việt Nam, để hai bên có thể tận dụng tốt các cơ hội hội nhập kinh tế khu vực và tăng cường hiệu quả của các chuỗi giá trị.
“Nhiều nhà đầu tư Đài Loan đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam, đặc biệt trong các ngành nông nghiệp, dệt may, công nghệ thông tin, chế tạo ô tô và xe máy”, ông Chiu cho biết.
Cùng quan điểm với ông Chiu, ông Jack Lin, đại diện I-Mei Foods Co., Ltd. (Đài Loan) - công ty đang vận hành một nhà máy sản xuất các loại bánh gạo tại Hà Nội) nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ và Việt Nam đang thực hiện các cam kết giảm thuế đáng kể trong khuôn khổ các FTA. Điều này sẽ tạo cơ hội lớn cho chúng tôi mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi có thể tăng cường đầu tư tại đây”.
Còn bà Sara Huang, đại diện của nhà sản xuất gốm lừng danh Franz Collection Inc. (trụ sở tại Mỹ và Đài Loan) cho biết, Công ty đang tìm kiếm nhiều nhà phân phối tại Việt Nam để đưa các sản phẩm gốm chất lượng cao vào thị trường này, nhằm tận dụng cơ hội từ việc thuế nhập khẩu các sản phẩm này sẽ giảm đáng kể theo cam kết của các FTA.
“Nhu cầu của Việt Nam về các sản phẩm gốm như của Franz Collection Inc. đang tăng lên. Nếu như thiết lập được mạng lưới đối tác tốt tại Việt Nam, thì Franz
Collection Inc. có thể tính toán các bước đầu tư tiếp theo”, bà Huang cho biết.
Liên quan đến ngành dệt, ông Chiu nhấn mạnh rằng, với việc ký kết FTA với nhiều đối tác thương mại quan trọng và tới đây sẽ ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan theo các hiệp định này. Trong khi đó, ngành dệt của Đài Loan đang phải đối mặt với nhiều sức ép từ xu thế hội nhập kinh tế khu vực. Do vậy, nhiều doanh nghiệp dệt Đài Loan muốn đầu tư cơ sở sản xuất tại Việt Nam để cung ứng các sản phẩm chất lượng cao cho ngành dệt may Việt Nam, từ đó giúp đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Ông Chiu cũng nhấn mạnh rằng, ngành sản xuất phụ tùng ô tô và xe máy của Việt Nam đang rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Đài Loan. Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Chính phủ Việt Nam đã áp dụng chính sách ưu đãi thuế quan cho phụ tùng xe máy và ô tô nhiều hơn so với xe máy và ô tô nguyên chiếc. Vì thế, các mức thuế đối với phụ tùng đã giảm dần. Ngoài ra, theo Chương trình Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của ASEAN, bắt đầu từ ngày 1/1/2014, Việt Nam đã bắt đầu giảm thuế nhập khẩu ô tô và xe máy xuống dưới 50% và mức thuế này sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018.
Theo phân tích của ông Chiu, Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm tới việc phát triển ngành công nghiệp phụ tùng để phát triển tổng thể ngành công nghiệp ô tô - xe máy. Trong khi đó, Việt Nam vẫn phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu phụ tùng và việc lắp ráp lại đòi hỏi công nghệ kỹ thuật tiên tiến.
“Chúng tôi cho rằng, doanh nghiệp hai bên cần thành lập các liên doanh hoặc hợp tác kỹ thuật để phát triển tại thị trường Việt Nam. Các liên doanh này, cùng với nhu cầu đang gia tăng của thị trường quốc tế, có thể mở các nhà máy tại Việt Nam thông qua việc mua lại hoặc sáp nhập các nhà sản xuất phụ tùng trong nước”, ông Chiu đề xuất.