Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Sắp khai tử nhà máy thép nghìn tỷ ở Vũng Áng
Ngày: 5/26/2015 9:52:14 AM
Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh vừa thông báo sẽ chấm dứt dự án nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi vì chủ đầu tư là công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh không thể duy trì dự án sau 6 năm bỏ hoang.

Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BQL KKT Hà Tĩnh cho biết, văn bản vừa ban hành là để chuẩn bị cho việc thu hồi dự án, thu hồi đất, chấm dứt hoạt động của dự án này.
"Đáng lẽ đã ban hành quyết định thu hồi rồi, tuy nhiên động thái này là để thông báo tới các ngân hàng cho dự án này vay tiền để họ biết, vào phối hợp để xử lý tài sản. Tài sản của dự án chủ yếu là của các ngân hàng, để có phương án bảo vệ tài sản của dự án”, ông Tuấn nói.
Trong văn bản số 647 ngày 19/5 vừa qua do ông Đặng Văn Thành (Phó trưởng BQL) ký “về việc chấm dứt hoạt động dự án nhà máy liên hợp gang thép”, gửi đến các ngân hàng: Thương mại CP đại chúng VN; Đầu tư và phát triển chi nhánh Bắc Hà Nội; Phát triển Hà Tĩnh; Ngoại thương Hà Tĩnh; Đầu tư Hà Tĩnh và NN&PTNT Hà Tĩnh.
Trong văn bản có nêu, tiến độ dự án hơn 1.700 tỷ sẽ hoàn thành giai đoạn 1, cho sản phẩm phôi thép thương phẩm, gang thỏi vào tháng 8/2010, tuy nhiên, từ năm 2009 thì dự án gặp vấn đề về nguồn lực, đến cuối 2010 thì bị dừng lại và bỏ hoang đến bây giờ.
“UBND tỉnh Hà Tĩnh, các sở ngành và các ngân hàng cho vay vốn đã phối hợp với chủ đầu tư tháo gỡ các khó khăn nhưng công ty vẫn không đưa dự án khởi động trở lại. Đến nay tiến độ đã chậm gần 5 năm”, văn bản có đoạn.
Việc chấm dứt hoạt động và sẽ ra quyết định thu hồi là do phía công ty gang thép Hà Tĩnh (chủ đầu tư) đã thừa nhận không thể khởi động lại dự án như cam kết.
Sau ngày 25/5, BQL sẽ chính thức ban hành quyết định thu hồi dự án (đất và giấy chứng nhận đầu tư).
Hệ lụy nghiêm trọng!
Giữa năm 2013, báo VietNamNet từng đăng tải tuyến bài phản ánh sự hoang tàn của dự án thép Vạn Lợi và những hệ lụy kèm theo từ khi dự án ngưng trệ. Tổng mức đầu tư của dự án này đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 750 tỷ vay của các ngân hàng. Trong đó nhiều nhất là ngân hàng phát triển, số tiền cho vay lên tới 620 tỷ đồng, Vietcombank 70 tỷ đồng, BIDV 50 tỷ đồng…
Chia sẻ với VietNamNet, một giám đốc ngân hàng tại Hà Tĩnh (cùng cho dự án vay) nói rằng, dự án đổ vỡ thì việc xử lý hệ lụy là rất phức tạp và khó khăn. Theo vị GĐ ngân hàng này, hơn 750 tỷ đồng các ngân hàng nhà nước bỏ ra cho dự án có nguy cơ mất trắng khi toàn bộ thiết bị máy móc, phương tiện mang về từ gần 10 năm nay đã gỉ sét, hư hỏng và mất trộm.
Các hạng mục đầu tư trị giá gần 1.000 tỷ giờ chỉ là đống sắt vụn. Đã rất nhiều chuyên gia đến để thẩm định đầu tư nhưng đều lắc đầu bỏ đi.
“Việc không thu hồi được tiền cho vay, chúng tôi cũng phải có trách nhiệm. Nhưng khó trả lời ai chịu trách nhiệm khi hơn 750 tỷ đồng thành ra thế này. Hàng trăm tỷ đồng bỏ ra, giờ các ngân hàng phải vào chia nhau trên đống sắt vụn.
Thời điểm 2008 chúng tôi cũng nghe theo lời kêu gọi của tỉnh, tham gia cho vay (dự kiến 100 tỷ), vì tỉnh nên đồng ý, chứ thẩm định dự án này thì cũng chỉ có ngân hàng phát triển thẩm định về khả thi dự án. Nhìn hàng trăm tỷ đồng đổi lại đống sắt vụn, hoang hóa hàng ngày, sốt ruột lắm nhưng không làm gì được”, vị giám đốc này nói.
Không chỉ các ngân hàng, nhà máy thép Vạn Lợi chết yểu từ 2010 cũng đã khiến cho công ty sắt Vũ Quang (đầu tư nhà máy tuyển quặng) dở sống dở chết trong nhiều năm nay. Hàng trăm công nhân không có việc làm, nợ đầm đìa hơn 200 tỷ đồng. Giờ dự án sắp thu hồi, không biết số phận của công ty sẽ ra sao?

(Nguồn:VietnamNet)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.