Tập đoàn E-United (Đài Loan), chủ đầu tư chính của dự án thép Guang Lian ở khu kinh tế Dung Quất có vốn đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ, đã chính thức thông báo việc không thể thu xếp tài chính cho dự án hiện nay.
7/2015, nguồn tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết rằng Công ty TNHH Guang Lian Việt Nam, đã chính thức xác nhận với cơ quan chức năng của tỉnh là không thể thu xếp được nguồn tài chính để tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên nhà đầu tư này lại không đề cập chuyện dừng thực hiện dự án.
Trước đó, chính quyền địa phương và Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã ra "tối hậu thư" cho chủ đầu tư là Công ty TNHH Guang Lian Steel (Quảng Liên) ấn định, đến hết tháng 6 rồi nếu chủ đầu tư không cung cấp được hợp đồng tín dụng hoặc không chứng minh được năng lực tài chính thì tỉnh sẽ thu hồi giấy phép đầu tư của dự án.
Tuy nhiên cái khó hiện nay theo báo cáo của nhà đầu tư là từ khi làm lễ động thổ vào năm 2007 cho đến nay, doanh nghiệp này đã bỏ khoảng 42 triệu đô la Mỹ vào một số hạng mục như khối nhà ở công nhân, san lấp mặt bằng, tường rào, cọc xây nhà máy sản xuất ...của dự án. Do đó, việc rút giấy phép của dự án này sẽ như thế nào, bởi đây là một dự án có quy mô vốn và sử dụng diện tích đất khá lớn.
Theo nguồn tin trên, trước mắt nhà đầu tư sẽ chấm dứt thực hiện dự án. Sau đó, Ban Quản lý sẽ hỏi ý kiến các bộ, ngành để tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc thu hồi dự án này.
Thực tế khả năng tiếp tục triển khai dự án này được giới phân tích trước đó đánh giá là rất thấp sau khi tập đoàn thép hàng đầu của Nhật Bản JFE tuyên bố dừng xem xét đầu tư vào dự án từ tháng 9 năm ngoái.
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về dự án này. Cứ mỗi lần cơ quan hữu trách định rút giấy phép đầu tư thì chủ đầu tư lại xin gia hạn và nảy sinh yếu tố mới như thay đổi đối tác, tăng vốn...
Như vậy đến nay sau khoảng chín năm được cấp phép, dự án thép Guang Lian đã chính thức phá sản dù các thủ tục cuối cùng vẫn chưa được thực hiện.
Đây không phải là dự án thép đầu tiên rơi vào trường hợp này. Nhiều năm trước đây, dư luận đã được biết đến dự án Liên hợp Thép Cà Ná (Ninh Thuận), vốn đầu tư 9,8 tỉ đô la Mỹ mặc dù được động thổ vào cuối năm 2008, nhưng đến đầu năm 2011 chủ đầu tư liên doanh Lion-Vinashin chỉ hoàn thành công tác rà phá bom mìn chứ không triển khai xây dựng dự án theo tiến độ cam kết. Do đó, chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án vào năm 2011.
Hay gần đây nhất là vào đầu năm ngoái, Tata Steel - một công ty con của Tập đoàn Tata (Ấn Độ) đã loại bỏ ý định đầu tư dự án thép 5 tỉ đô la Mỹ ở Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh dù nhiều năm theo đuổi. Khi đó, theo trang điện tử Ấn Độ Businessworld.in, vì sự chậm trễ trong phê duyệt và môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức, nên Tata Steel đã quyết định rút khỏi hoàn toàn dự án thép trị giá 5 tỉ đô la Mỹ tại Việt Nam sau năm năm chờ đợi.
Con đường gập ghềnh của dự án thép Guang Lian
Dự án nhà máy luyện thép Dung Quất được hình thành từ năm 2006, khởi đầu là do Công ty Tycoons (Đài Loan) đề xuất. Dự kiến nhà máy sẽ có công suất 5 triệu tấn thép/năm và tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ.
Không lâu sau đó, dự án có thêm nhà đầu tư mới là Công ty E-United. Hai nhà đầu tư đến từ Đài Loan này nâng vốn cam kết của dự án lên 3,3 tỉ đô la Mỹ nhưng vẫn giữ công suất như cũ và đổi tên thành dự án Nhà máy Thép Guang Lian. Theo giấy phép đầu tư, E-United trở thành nhà đầu tư chính nắm quyền chi phối dự án với tỷ lệ vốn góp lên đến 90%, Tycoons chỉ góp 10%.
Năm 2011, hai nhà đầu tư tiếp tục xin điều chỉnh quy mô công suất nhà máy từ 5 triệu tấn lên 7 triệu tấn thép/năm; đồng thời vốn đầu tư cũng tăng lên thành 4,5 tỉ đô la Mỹ. Đề xuất này của nhà đầu tư đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc nhưng Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất chưa cấp lại giấy chứng nhận vì nhà đầu tư chưa chứng minh được khả năng thu xếp vốn cho dự án.
Mất một khoảng thời gian khá dài, việc thu xếp vốn của E-United gần như bế tắc thì đầu năm 2012, dự án này được tập đoàn JFE (Nhật Bản) “để mắt” tới. JFE được đánh giá là tập đoàn sản xuất thép lớn trên thế giới, có năng lực tài chính, công nghệ, và kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thép.
Tháng 4-2012, tập đoàn JFE cùng E-United đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác; theo đó JFE sẽ nghiên cứu tính khả thi của dự án, xác nhận các vấn đề liên quan đến thiết bị, sản phẩm, cơ sở hạ tầng, điều kiện ưu đãi đầu tư... trước khi quyết định đầu tư. Tuy nhiên, sau khoảng hai năm nghiên cứu, đến tháng 9-2014 JFE chính thức thông báo không tham gia đầu tư vào dự án.
Sau khi Tập đoàn JFE (Nhật Bản) tuyên bố dừng xem xét đầu tư vào dự án thép Guang Lian, nhà đầu tư lớn còn lại là E-United đã đề nghị điều chỉnh giảm vốn dự án này xuống còn 2 tỉ đô la Mỹ.
Việc điều chỉnh xin giảm vốn này của tập đoàn E-United cũng đồng thời làm thay đổi sản phẩm thép làm ra. Nhà đầu tư đề xuất sẽ sản xuất thép tấm thay vì là thép kỹ thuật cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư giảm được nguồn vốn đầu tư.