Được, mất từ những dự án sân golf - Bài 2: Vỏ sân golf, ruột... địa ốc
Ngày: 4/25/2009 11:40:00 AM
Dù chủ đầu tư kêu lỗ nhưng các dự án sân golf vẫn mọc lên ngày càng nhiều. Chỉ bán biệt thự quanh sân golf, họ đã có lời.
Chỉ ba năm trước, các sân golf đều kêu lỗ và các chủ đầu tư kiến nghị Chính phủ giảm thuế. Nhưng từ khi phân cấp cho các tỉnh, thành cấp phép và quản lý, nhiều doanh nghiệp lại ồ ạt xin đầu tư sân golf. Cho đến khi Chính phủ có chủ trương ngưng cấp phép để rà soát thì nhiều dự án xin đầu tư sân golf mới được dừng lại.
Hỗ trợ doanh nghiệp... gom đất
Đối với nhiều nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư sân golf là nhắm đến kinh doanh địa ốc được ưu đãi với lợi nhuận cao. Các sân golf đều nằm trong các dự án phát triển đô thị mới, dự án đầu tư nước ngoài vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (?).
Theo đó, chi phí thuê đất ở các dự án sân golf rất thấp, 1 m2 đất nông nghiệp chỉ bồi thường 2-3 USD, như trường hợp các dự án sân golf ở Long An, 1 ha đất nông nghiệp chỉ bồi thường 350 triệu đồng.
Thực hiện chủ trương kêu gọi và khuyến khích đầu tư, khi doanh nghiệp bồi thường đất có giá trị ngang bằng hoặc cao hơn giá trị tiền sử dụng đất thì họ không phải nộp tiền sử dụng đất.
Như vậy, nhiều địa phương đã hỗ trợ doanh nghiệp mua đất của nông dân theo khung giá nhà nước. Điều đó làm nông dân bị thiệt nhưng ngân sách nhà nước thì không được đồng nào.
Trong khi đó, hầu hết dự án sân golf đều ở những nơi hạ tầng giao thông thuận tiện, nguồn nước dồi dào, cảnh quan đẹp.
Thế là các chủ sân golf đã kết hợp kinh doanh bất động sản, cắt một phần đất sân golf để xây biệt thự, nhà nghỉ, các công trình dịch vụ và cho thuê kinh doanh. Hỗ trợ cho hiệu quả kinh doanh này là thương hiệu của sân golf. Các dự án phát triển bất động sản sẽ gia tăng giá trị nếu có sân golf ở trong.
Sân golf hay địa ốc?
Một thực tế là UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sân golf hơn 5,1 ngàn ha nhưng diện tích dành cho sân golf chỉ 991 ha, chiếm chưa đến 20%, diện tích còn lại dành cho các mục đích khác như xây dựng biệt thự, khách sạn để bán và cho thuê.
Sân golf Đà Lạt 36 lỗ chiếm 71,5 ha giữa lòng thành phố có hai khách sạn cao cấp nhưng trong ba tháng đầu năm 2008, ngân sách Lâm Đồng chỉ thu được hơn 183,1 ngàn USD.
Năm 2003, tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép dự án sân golf Tam Đảo diện tích 137 ha cho Công ty cổ phần Đầu tư Tam Đảo, đẩy ra khỏi khu vực hàng trăm hộ dân. Nhưng chủ đầu tư đã dành tới quá nửa diện tích (90 ha) làm biệt thự, chia thành 290 lô đất, mỗi lô có diện tích 950-1.500 m2 và đã bán sạch số đất phân lô này với giá một tỷ đồng/lô ngay sau khi sân golf Tam Đảo đi vào hoạt động (ngày 7-1-2007).
Tính ra, 290 lô đất công ty đã thu về khoảng 300 tỷ đồng trong khi dự toán đầu tư cho toàn bộ dự án này chỉ khoảng 400 tỷ đồng. Tương tự, sân golf Đầm Vạc (Vĩnh Phúc) có tổng diện tích 126 ha. Chủ dự án cũng dành gần 23 ha để làm khu nhà vườn, biệt thự, mỗi căn 280-320 m2 và rao bán ngay sau đó.
Tại Ninh Bình, dự án sân golf hồ Đồng Thái sát dãy núi Tam Điệp hơn 2,1 ngàn ha đang “hứa hẹn” xây dựng sân golf 18 lỗ sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2008 và sẽ hoàn thành toàn bộ 54 lỗ vào năm 2010, tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, đồng thời cũng “hứa hẹn” nơi đây sẽ được xây dựng câu lạc bộ golf, khách sạn, các khu biệt thự ven hồ và nhà hàng cao cấp trên tổng diện tích 710 ha.
Hay như sân golf Sea Links ở TP Phan Thiết (Bình Thuận), 170 ha trên những đồi cát trắng ở độ cao hơn 60 m so với mực nước biển. Bao bọc xung quanh sân golf là 300 biệt thự cao cấp có diện tích từ 400 đến 1.000 m2, một khách sạn năm sao 200 phòng...
Mỗi sân golf là một lãnh địa
Trong vai một nhà kinh doanh địa ốc, áo tiều may bằng lụa Hà Đông, đồng hồ Rolex, nhẫn vàng đính kim cương, PV đã vượt qua ba lớp rào bảo vệ để tiếp cận một ông chủ đầu tư hàng loạt sân golf ở một tỉnh miền Đông Nam bộ.
Ông này cao hứng: “Làm chủ đầu tư một dự án sân golf chẳng khác nào làm chủ một lãnh địa, đã xin dự án (sân golf) thì mặc sức đầu tư, kinh doanh, lấy nó nuôi nó, sợ gì không đủ tiền!”.
Để đầu tư xây dựng một khu resoft, nhà đầu tư phải lập dự án. Để xây dựng một khách sạn cấp sao, nhà đầu tư cũng phải lập dự án.
Xây dựng một nhà hàng, khu nghỉ dưỡng phải có bao nhiêu thủ tục. Đó là chưa nói không phải dễ dàng gì khi xin phép mở vài phòng massage, phòng karaoke. Nhưng khi đã được cấp phép đầu tư sân golf thì những công trình dịch vụ, giải trí hầu như không cần có thủ tục rườm rà.
Để xây dựng một khách sạn cao cấp năm sao vài trăm phòng trong dự án sân golf, thủ tục đơn giản như tư nhân xin thủ tục xây dựng một căn nhà... cấp bốn.
Dự án đầu tư sân golf đã được cấp phép thì xem như “tất cả đều trong một”, không cần thiết phải lập thêm dự án cho các công trình mới. Nói cách khác, đối với dự án sân golf, nếu đã được giao đất thì đó là lãnh địa riêng của những ông chủ đầu tư.
(Nguồn:Pháp Luật TP)