Việc tiến tới ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đặt cộng đồng doanh nghiệp Việt trước những cơ hội mới ...
Tiến sĩ Franz Jessen, đại sứ - trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) - khẳng định EVFTA sẽ là nền tảng giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Liệu có khả năng sau khi hai bên ký kết FTA, hàng hóa châu Âu đổ vào Việt Nam sẽ "đe dọa" các nhà sản xuất của Việt Nam?
- Tôi không cho rằng có sự ảnh hưởng lớn hay sự cạnh tranh dữ dội nào. Bởi châu Âu và Việt Nam sản xuất các mặt hàng khác nhau hoàn toàn.
Ví dụ các doanh nghiệp châu Âu tập trung vào các mặt hàng xa xỉ, công nghệ cao… Các doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh với công ty châu Âu ở lĩnh vực này. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam đưa vào châu Âu cũng không chịu sự cạnh tranh của các sản phẩm châu Âu.
Điều tôi mong muốn là các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu của họ. Các nhà xuất khẩu Việt Nam thường dựa vào số lượng. Ví dụ Việt Nam xuất khẩu rất nhiều cà phê, đứng thứ hai trên thế giới, nhưng giá trị của mặt hàng cà phê không lớn.
Tôi hi vọng Việt Nam sẽ nỗ lực dịch chuyển từ xuất khẩu hàng hóa có giá trị thấp sang hàng hóa có giá trị cao. Đây chắc chắn không phải là điều dễ dàng và sẽ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên tôi hi vọng và tin tưởng Việt Nam sẽ làm được điều đó.
Nhiều người cho rằng EU với những loại hàng hóa xuất khẩu giá trị cao sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ FTA so với Việt Nam chỉ chủ yếu xuất khẩu hàng hóa giá trị thấp?
- Chúng ta cần nhớ rằng xuất khẩu của Việt Nam vào EU cao gấp ba lần xuất khẩu của EU vào Việt Nam. Thặng dư thương mại của Việt Nam đối với EU luôn luôn cao.
Tôi cũng phải nhấn mạnh rằng trong các vòng đàm phán FTA, các nhà đàm phán Việt Nam đã thể hiện được bản lĩnh và năng lực rất cao. Họ đã đảm bảo được tối đa những lợi ích của Việt Nam.
Hơn nữa, như tôi đã nói, Việt Nam xuất khẩu vào EU chủ yếu các mặt hàng điện tử như điện thoại di động hay máy tính bảng, và các mặt hàng truyền thống như nông sản. Các doanh nghiệp EU không cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam ở những lĩnh vực này.
Ví dụ ở châu Âu không có nhiều nhà sản xuất hàng điện tử lớn, không có nhiều nhà sản xuất cà phê. Các mặt hàng đó của Việt Nam khi được đưa sang EU hoàn toàn không phải đối mặt với sự cạnh tranh và có chỗ đứng vững chắc ở thị trường châu Âu.
Tôi tin tưởng vào sức mạnh và lòng quyết tâm của người Việt Nam. Tôi hi vọng cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ phát triển mạnh, hàng hóa Việt Nam sẽ vươn ra phạm vi toàn cầu.
Dòng đầu tư của EU sẽ chảy vào Việt Nam như thế nào sau FTA?
- Chúng tôi hi vọng sau FTA, các nhà đầu tư châu Âu sẽ đến Việt Nam nhiều hơn nữa. Không chỉ trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất mà trong cả các lĩnh vực châu Âu rất có thế mạnh như dịch vụ tài chính.
Chúng ta cần biết rằng các doanh nghiệp châu Âu đến đầu tư tại Việt Nam không phải vì lý do giá lao động Việt Nam rẻ.
Do đó, các công ty châu Âu sẽ tiếp tục duy trì đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam kể cả khi chi phí lao động tại Việt Nam gia tăng.