Thời gian gần đây, người dân sống ven sông Tiền đều rất lo ngại trước cảnh nguồn nước trên dòng sông này ngày càng bị ô nhiễm.
Sông Tiền là một bộ phận của sông Mê Kông có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nước cho sản xuất, đời sống của người dân nhiều tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, nguồn nước của dòng sông này đang bị ô nhiễm trầm trọng do con người tác động. Trong khi đó, các chính quyền và các ngành chức năng chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Thời gian gần đây, người dân sống ven sông Tiền thuộc tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đều rất lo ngại trước cảnh nguồn nước trên dòng sông này ngày càng bị ô nhiễm. Trầm trọng nhất là khi các Khu, cụm công nghiệp mọc lên ven sông; vì chạy theo lợi nhuận mà doanh nghiệp vô tư xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý xuống sông. Trong khi chính quyền và ngành chức năng chưa kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Một số trường hợp khi phát hiện cũng chỉ xử lý “cảnh cáo” nhẹ tay.
Năm ngoái, công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre bị ngành chức năng phát hiện quả tang xả nước thải ra sông Tiền. Nhưng doanh nghiệp này chỉ bị lập biên bản và nhắc nhở chứ không bị xử phạt.
Với sự xả thải bừa bãi như vừa kể trên sông Tiền ở khu vực Tiền Giang – Bến Tre ngày càng ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Ông Nguyễn Văn Lắm, ngư dân cồn Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết: nguồn nước sông Tiền ngày càng ô nhiễm làm cho làng cá bè điêu đứng vì dịch bệnh hoành hành. Ông Nguyễn Văn Lắm nói: “Trước đó sông Tiền không bị ô nhiễm nhưng khoảng 2 năm nay do mấy công ty xả nước nên mới bị ô nhiễm. Ban đêm cá bị ảnh hưởng bị chết”.
Qua kiểm tra, giám sát của ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang, Bến Tre cho thấy, hầu hết các nhà máy, cơ sở sản xuất ven sông Tiền đều có ít nhiều xổ xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông.
Tại khu công nghiệp Mỹ Tho, cụm công nghiệp Trung An, tỉnh Tiền Giang, hầu hết các doanh nghiệp có đấu nối dẫn nguồn nước thải vào nhà máy xử lý nước tập trung.
Theo quy định nước thải phải xử lý đạt tiêu chuẩn A (quy chuẩn của Bộ Y tế) mới được xổ xả ra sông rạch. Song thực tế nhiều doanh nghiệp xử lý nước thải chưa đạt tiêu chuẩn này đã cho xổ xuống sông mà cơ quan chức năng khó phát hiện. Mới đây người dân khu vực xã Bình Đức, sông Thuận, huyện Châu Thành – Tiền Giang thì đã phát hiện một số doanh nghiệp xổ nguồn nước thải xuống sông làm ô nhiễm dòng nước cả một khu vực.
Việc gây ô nhiễm môi trường từ các doanh nghiệp như: tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi… dễ dàng phát hiện. Nhưng đối với việc xả nước thải ra sông Tiền rất phức tạp và khó xử lý. Bởi hầu hết doanh nghiệp đều có lắp đặt hệ thống cống ngầm dưới mực nước, xung quanh bờ sông có trồng lục bình, cây cỏ để “ngụy trang”. Khi phát hiện, ngành chức năng phải lấy mẫu, kiểm nghiệm nếu vượt tiêu chuẩn cho phép mới được xử phạt. Điều đó chưa nói một số trường hợp doanh nghiệp xả nước ô nhiễm xuống sông, rạch nhưng chính quyền và ngành chức năng địa phương chưa mạnh dạn xử lý, thậm chí có biểu hiện làm ngơ.
Cụ thể như trường hợp của công ty May cây Dừa tại xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã xổ xả nước thải, hóa chất… xuống kênh rạch nhiều năm liền. Qua phản ánh của người dân, đầu năm 2014, Thanh tra Sở Tài nguyên-Môi trường kiểm tra, phát hiện sai phạm; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Bến Tre xử phạt trên 600 triệu đồng. Song đến nay UBND tỉnh Bến Tre vẫn chưa ra Quyết định xử phạt và vụ việc kéo dài, hết thời hiệu xử phạt nên doanh nghiệp này vẫn nhởn nhơ coi thường pháp luật.
Không chỉ doanh nghiệp mà vẫn còn không ít người dân có quan niệm rằng sông Tiền không của riêng ai nên cứ vô tư vứt phế thải, chất thải, không tố cáo doanh nghiệp xả nước bẩn xuống sông…
Ngoài các doanh nghiệp nhiều cơ quan có nguồn nước thải nguy hại rất lớn cũng trút xuống kênh rạch sau đó chảy ra song Tiền nhất là các chợ, cảng cá, các khu đông dân cư… gây gánh nặng cho dòng sông Tiền.
Tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, chính quyền và nhân dân địa phương rất bức xúc do tình trạng bãi rác Phú Hưng chứa hang nghìn khối rác. Khi mưa dầm tràn nước ô nhiễm xuống dòng kênh rạch. Đồng thời việc bắc cầu tiêu ao cá chưa triệt xóa làm cho nguồn nước mặt ô nhiễm trầm trọng.
Ông Đoàn Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Hữu Định, huyện Châu Thành nói: “Ở xã về tiêu chí môi trường, khó khăn hiện tại là bãi rác Phú Hưng. Thứ hai, một số hộ dân không thể xây cầu tự hoại được là do mùa nước nổi khoảng tháng 9-10 nước lên không sử dụng được. Đây không chỉ là nỗi lo của địa phương mà là nỗi lo của tỉnh”.
Doanh nghiệp Đông lạnh 22, xã Tân Thạch, Bến Tre lắp đặt cống ngầm để xả nước thải ra sông Tiền
Theo kết quả quan trắc hàng năm của Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Tiền Giang- Bến Tre cho thấy, nguồn nước sông Tiền đang ô nhiễm trầm trọng, nhất là khu vực gần trung tâm thành phố, gần khu, cụm công nghiệp. Trong đó, hàm lượng dầu mỡ, sắt, vi sinh… vượt nhiều so với quy định. Nếu không có giải pháp khắc phục vấn đề này càng nặng hơn, gây tác hại đến sức khỏe con người.
Thực trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Tiền từ việc xả thải tại các khu công nghiệp và một bộ phận người dân sống ven sông đang là hồi chuông báo động về môi trường. Vấn đề này hiện đang được nhiều địa phương, các nhà khoa học, nhà quản lý đặc biệt quan tâm.