Phương án cuối cùng được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Tiền lương quốc gia trưa nay là tăng trung bình 12,4%.
Phương án được Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất trình lên Chính phủ sẽ đưa lương tối thiểu vùng I từ 3,1 triệu đồng một tháng (năm 2015) lên 3,5 triệu đồng trong năm sau. Mức áp dụng tương ứng cho các vùng II, III và IV là 3,1 triệu, 2,7 triệu và 2,4 triệu đồng. Như vậy, so với năm 2015, mặt bằng lương tối thiểu vùng dự kiến được tăng trung bình 12,4%.
Lương tối thiểu 2015 Lương tối thiểu 2016 *
Vùng I 3,1 3,5
Vùng II 2,75 3,1
Vùng III 2,4 2,7
Vùng IV 2,15 2,4
(*): Dự kiến. Đơn vị: triệu đồng/tháng
(**) Các vùng áp dụng lương tối thiểu theo quy định hiện hành
Quyết định tiến hành bỏ phiếu được đưa ra trong phiên đàm phán cuối cùng giữa giới chủ sử và đại diện người lao động, khi cả hai bên không thể tự thỏa thuận về mức tăng lương tối thiểu cho năm 2016. Trong 14 phiếu phát ra, 13 phiếu đồng thuận mức tăng 12,4%. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội - Phạm Minh Huân, người đồng thời là Chủ tịch Hội đồng, đây là mức đồng thuận cao nhất trong các cuộc họp tăng lương những năm gần đây. Với con số này, lương sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Bình luận sau cuộc họp, đại diện người lao động và cũng như giới chủ sử dụng lao động đều tỏ ra không hài lòng, song chấp nhận kết quả. Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động cho rằng dù không thỏa mãn với mức tăng trên nhưng đây là con số có thể giải thích được với người lao động, để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: “Chúng tôi dù không thỏa mãn với con số này nhưng vẫn phải chấp nhận. Thực tế, mức tăng lương tối thiểu vùng như trên đã vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp. Nhưng hội đồng đã quyết định, doanh nghiệp không còn cách nào khác là gồng mình lên để tái sản xuất, nâng cao năng suất lao động để tiếp tục tồn tại”.
Vị này cho biết thêm, VCCI sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp để kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, để có thể “chịu đựng” được áp lực trên. Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/1/2016, tiền lương sẽ là cơ sở để tính toán mức đòng bảo hiểm.
Trước đó, phiên họp thứ 3 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã diễn ra căng thẳng. Lúc 11h, thông tin từ ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động) cho thấy các bên chưa tìm được tiếng nói chung. “VCCI vẫn chốt ở con số 10%, cao nhất là 10,7% chứ không lên được đến 11%", vị này cho hay và cho biết khi đó, Tổng liên đoàn chỉ chấp nhận mức tăng tối thiểu 14,3%.
Vị này cho biết nếu Hội đồng quyết định con số thấp hơn 12% và yêu cầu bỏ phiếu thì cơ quan này sẽ thể hiện quan điểm bằng hai phương án: hoặc không chọn con số đó hoặc là bỏ phiếu trắng. Ngoài ra, ông cũng đối thoại lại quan điểm của một số chuyên gia cho rằng tăng lương tối thiểu phải tính đến yếu tố tăng năng suất lao động: "Hiện nay lương tối thiểu vùng thấp hơn so với nhu cầu sống tối thiểu, như vậy thì làm sao đòi hỏi được việc tăng năng suất lao động", ông nói.
Phiên họp hôm nay được triệu tập để bàn lần cuối mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 sau hai phiên thất bại trước đó vì đại diện giới chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động chưa tìm được tiếng nói chung. Theo đó, đại diện người lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng trên 16% (tương đương từ 350.000 đồng đến 550.000 đồng cho 4 vùng) nhưng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI bảo lưu mức tăng 9 – 10% (khoảng 250.000 đồng đến 350.000 đồng cho 4 vùng).
Theo quan điểm của Tổng liên đoàn Lao động, về mặt pháp lý thì Điều 91, Bộ Luật lao động 2012 quy định lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Luật có hiệu lực vài năm mà lương tối thiểu vùng mới chỉ đáp ứng được trên 70% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động là một nghịch lý. Ngoài ra, năm nay tình hình kinh tế khá hơn thì mức lương tối thiểu vùng phải cao hơn mức tăng trên 14% của năm 2015, không thể thấp hơn.
Ngược lại, phía VCCI cho rằng, hiện nay có tới 70% doanh nghiệp đang làm ăn không có lãi. Mức tăng lương không hợp lý sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh, thu hẹp sản xuất, đẩy người lao động ra đường. "Chúng tôi đã tính toán rất kỹ mới đưa ra mức tăng trên", ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho biết.
Một số chuyên gia phân tích, ngoài quan điểm riêng của mỗi bên thì cả hai cần tính toán lương tối thiểu dựa trên tương quan với GDP bình quân đầu người, phù hợp với tốc độ tăng năng suất lao động. Thống kê những năm gần đây cho thấy tốc độ tăng năng suất lao động thấp mà tốc độ tăng tiền lương cao, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đang suy giảm. Nếu năng suất lao động tăng chậm trong khi mặt bằng lương nói chung tăng nhanh, nhất là lương tối thiểu vùng còn tăng nhanh hơn nữa thì không nền kinh tế nào có thể duy trì bền vững.
Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu tổ chức ngày 27/8 ở Thanh Hóa, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đưa ra quan điểm lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng khoảng 10% là hợp lý. Theo ông, qua phân tích chỉ số giá tiêu dùng CPI, nếu tăng ở mức trên thì có thể đảm bảo cho doanh nghiệp tồn tại, giữ được việc làm cho người lao động.
"Nếu chúng ta nâng lương quá cao thì người lao động được cải thiện mức sống tốt hơn nhưng doanh nghiệp sẽ rất khó khăn vì giá thành sản phẩm đội lên. Lợi bất cập hại. Trước đây, quan điểm của tôi là tăng khoảng 12%, nhưng trong bối cảnh này, tôi cho rằng điều chỉnh ở mức 10% là thích hợp", ông nói.
Theo quy định của Hội đồng tiền lương quốc gia, trong mỗi lần họp bàn về mức lương tối thiểu vùng cho năm sau, đại diện hai bên sẽ có quyền được yêu cầu dừng cuộc họp một lần. Trong phiên họp ngày 5/8, VCCI đã xin dừng họp. Phiên thương lượng thứ hai diễn ra vào ngày 25/8, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam xin dừng. Như vậy, hai bên đã hết "quota" xin dừng họp.