Sẽ thành lập thêm khu công nghệ cao ở các tỉnh thành
Ngày: 11/13/2015 9:03:36 AM
Bên cạnh ba khu công nghệ cao quốc gia ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, sắp tới đây một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác cũng sẽ có khu công nghệ cao.
Đây là quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của quy hoạch này là hình thành các khu công nghệ cao trên toàn quốc, trong đó hạt nhân là các khu công nghệ cao quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng miền; góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng nhanh hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm hàng hóa...
Cụ thể từ nay đến năm 2030 sẽ thành lập mới một số khu công nghệ cao do tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Mục tiêu là nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong cả nước.
Theo định hướng, từ nay đến năm 2030 sẽ tăng cường đầu tư chiều sâu, tiếp tục hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các khu công nghệ cao quốc gia gồm Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội); Khu công nghệ cao TPHCM và Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Chính phủ cũng quyết định thành lập các khu công nghệ cao do tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đầu tư xây dựng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nhất là nguồn vốn để triển khai gồm: Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội (Hà Nội); Khu công nghệ cao chuyên ngành sinh học Đồng Nai (Đồng Nai) và Khu công nghệ cao Ascendas-Protrade (Bình Dương).
Quyết định cũng đưa ra các giải pháp cần thực hiện là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với các khu công nghệ cao; tăng cường phân công, phân cấp đối với chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quản lý khu công nghệ cao. Việc đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch; khuyến khích xã hội hóa và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển các khu công nghệ cao cũng như ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ của các khu công nghệ cao quốc gia.
Ngoài ra, quyết định của Thủ tướng cũng đặt ra việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao; tăng cường liên kết trong phát triển các khu công nghệ cao.
Trong số ba khu công nghệ cao quốc gia được thành lập hiện nay, Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) được đánh giá là thành công trong thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt là các tập đoàn lớn quốc tế như Intel, Samsung... cũng như phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Một trong những điểm thuận lợi của các nhà đầu tư vào khu công nghệ cao là được ưu đãi cao về thuế. Cụ thể, doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 5 năm tiếp theo.
Nếu những dự án này có quy mô lớn, công nghệ cao hoặc mới cần đặc biệt thu hút đầu tư thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% có thể được xem xét kéo dài thêm nhưng không quá 30 năm và phải do Thủ tướng phê duyệt...
(Nguồn:TBKTSG Online)