Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Việt Nam làm gì giữa sân chơi ASEAN 2.500 tỷ USD
Ngày: 2/4/2016 10:31:53 AM
Thương mại, đầu tư, lao động... tự do hóa được xem là cơ hội lớn cho Việt Nam khi cộng đồng kinh tế ASEAN vừa được thành lập, song cũng là thách thức lớn khi trình độ hội nhập chưa thể đáp ứng.

Sự kiện lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký vào bản tuyên bố thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối tuần qua đã chính thức đánh dấu cho quá trình tăng cường kết nối thương mại, đầu tư, dịch vụ, kết nối cơ sở hạ tầng, mở cửa thị trường lao động. “Sự kiện này sẽ khiến các nước phải đẩy nhanh hơn việc thực hiện các cam kết, sáng kiến, chương trình hành động và kế hoạch đã xây dựng để hướng tới hình thành AEC, qua đó cũng đánh dấu sự hội nhập ngày càng sâu của Việt Nam", một chuyên gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ với VnExpress.
viet-nam-lam-gi-giua-san-choi-asean-2500-ty-usd

Thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đứng trước sức ép cạnh tranh lớn khi cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập. Ảnh: MD

ASEAN được đánh giá là thị trường phát triển sôi động với hơn 640 triệu dân, tổng GDP khoảng 2.480 tỷ USD và tổng kim ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ USD vào năm 2014. “AEC là sáng kiến lớn của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á với tham vọng biến khu vực thành một thị trường chung, một cơ sở sản xuất nhất thể hóa trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề cao được chu chuyển tự do vào năm 2015”, ông Trần Đức Minh - Phó tổng thư ký Hội kinh tế Việt Nam nhận định. Theo vị này, một ASEAN thống nhất sẽ giúp khu vực đương đầu với những thách thức mới trên thế giới, đặc biệt là sự nổi lên của Trung Quốc, Ấn Độ...

Việt Nam khi tham gia vào đây cũng đứng trước cơ hội lớn khi được tiếp cận thị trường chung rộng lớn với gần 100% hàng hóa được tự do lưu chuyển trong nội khối, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài nhờ môi trường kinh minh bạch và bình đẳng, cũng như tận dụng các hiệp định thương mại tự do của các nước đối tác ASEAN.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, các nước thành viên ASEAN hiện là đối tác đứng thứ 2 cung cấp hàng hóa cho Việt Nam (chỉ sau thị trường Trung Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Mỹ và Liên minh châu Âu). Tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN năm 2014 đạt 42,1 tỷ USD, tăng 57% so với năm 2010 (khi hiệp định ưu đãi thuế quan khu vực được thực thi). Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho hay đến hết tháng 10/2015, các nước ASEAN đã đầu tư vào Việt Nam hơn 56,8 tỷ USD.

Với doanh nghiệp, AEC không những tạo ra cơ hội làm ăn mà cũng tạo ra sức ép, buộc các công ty phải tự cải tổ, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tồn tại và phát triển.  Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse chia sẻ khi AEC thành lập, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đối mặt với cuộc chơi cạnh tranh hơn và suy nghĩ khác so với ngày trước. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chỉ quen phục vụ thị trường nội địa, chưa am hiểu nhiều về các thị trường xung quanh nên không có những phân tích cụ thể về năng lực cạnh tranh của sản phẩm so với các đối thủ trong khu vực, nhưng điều này sẽ phải thay đổi.

Tuy nhiên, ông Trần Đức Minh nhận định thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN rất dễ, chỉ cần thông qua một tuyên bố, song làm thế nào để sâu sắc hơn, mở rộng hơn sự hội nhập kinh tế khu vực vẫn là một câu hỏi lớn. “Chúng ta đang phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã là trình độ phát triển kinh tế của các nước ASEAN khác xa nhau. Nền tảng chính trị và văn hóa xã hội cũng rất đa dạng. Việc biến những khác biệt này thành cơ hội phát triển và thịnh vượng đồng đều không dễ. Do vậy, doanh nghiệp, các nhà quản lý phải dám nhìn thẳng vào sự thật để thấy trước được những cái được cái mất, cái vui, cái buồn mà chúng ta sẽ gặp phải trên đường tiến đến thiên đường mà chúng ta đang kỳ vọng”, ông nhận xét.

Trong vòng 5 năm qua, Việt Nam đã thực thi nhiều cam kết của ASEAN ở các lĩnh vực, song thương mại và đầu tư nội khối vẫn còn thấp xa so với thương mại và đầu tư ngoaị khối. Bằng chứng là tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với ASEAN chỉ chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi đầu tư là khoảng 20%. Nguyên nhân được lãnh đạo Hội kinh tế Việt Nam đưa ra là mức độ ưu đãi của các hiệp định thương mại và đầu tư trong khu thấp; sự thiếu minh bạch, thiếu nghiêm túc trong việc áp dụng quy chế xuất xứ, cơ chế giải quyết tranh chấp, thủ tục cấp phép hay hàng rào phi thuế quan vẫn còn cao…

Bên cạnh đó, những yếu kém nội tại cũng là thách thức cho Việt Nam khi cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập vào cuối năm 2015, mà trở ngại lớn nhất là sức ép từ hàng hóa trong khu vực.

Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI phân tích với cơ cấu sản phẩm tương đối giống nhau ở cả 10 nước ASEAN và sự tương đồng văn hóa tiêu dùng, việc mở cửa gần như tối đa thị trường vào cuối năm nay sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những đơn vị có sức cạnh tranh yếu và ở các ngành vốn được bảo hộ cao từ trước tới nay. Ví dụ nhãn tiền là hàng tiêu dùng Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã tràn vào trong nước, thị trường bán lẻ bị các tập đoàn bán lẻ trong khu vực nhòm ngó thâu tóm, như việc Thái Lan có kế hoạch mua lại hệ thống siêu thị Metro...

Trong tương lai, khi các mục tiêu AEC được hoàn tất, những sức ép từ các khía cạnh khác sẽ xuất hiện, chẳng hạn như ngành dịch vụ sẽ bị đặt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều vì không còn được bao bọc kỹ lưỡng. Việt Nam cũng đứng trước thách thức trong việc kiểm soát dòng vốn bởi không còn hàng rào bảo vệ doanh nghiệp trước việc rút hay góp vốn của đối tác...

Do đó, trung tâm này khuyến nghị doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm hiểu hội dung và cam kết của các hiệp định đang có hiệu lực trong AEC để chuẩn bị sẵn sàng, tận dụng các cơ hội và hạn chế thách thức từ việc thực thi các hiệp định. Theo một điều tra mới đây, 76% doanh nghiệp trong nước vẫn không biết gì về AEC, 70% cho rằng cộng đồng này thành lập không ảnh hưởng đến họ.

Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được manh nha từ năm 1997 và chính thức thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 tại Thái Lan năm 2009. Từ đó đến nay, các nước trong khu vực đã bắt tay vào thực hiện các hiệp định trong khuôn khổ AEC, hướng tới xây dựng một cộng đồng thống nhất, một khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển đồng đều và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Tuy vậy, cộng đồng kinh tế ASEAN không phải là mục tiêu hội nhập duy nhất của Việt Nam mà còn rất nhiều các FTA khác với các đối tác quan trọng. Vì vậy, doanh nghiệp cần tập trung mọi nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển được khi Việt Nam hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế thế giới. "Thành lập AEC chỉ là bước khởi đầu, trước mắt vẫn còn rất nhiều cơ hội, thách thức", ông Trần Đức Minh nhận xét.

(Nguồn:)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.