Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Các chuyên gia dự báo lạc quan cho kinh tế Việt Nam 2016
Ngày: 2/4/2016 10:36:12 AM
Năm 2016 sẽ là năm khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, một khởi đầu của tiến trình phát triển mới của nền kinh tế.

Thêm vào đó, đây cũng là năm khởi đầu một tiến trình hội nhập mới khi hàng loạt các cam kết hội nhập có hiệu lực.

Các chuyên gia đã đưa ra những dự báo lạc quan cho bước ngoặt mới của nền kinh tế. Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế trong nước về dự báo triển vọng nền kinh tế trong năm 2016.

Tiến sỹ kinh tế Trần Du Lịch: Cần có động lực mới cho tăng trưởng

Từ năm 2016 trở đi, tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam có triển vọng sáng sủa. Tôi đồng tình với mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 đến 7% cho năm 2016. Nhưng để đạt được mục tiêu trên, theo tôi cần có động lực mới, nếu không sẽ khó đạt được.

Về chính sách tiền tệ, trong thời gian qua đã có những kết quả tích cực như góp phần ổn định vĩ mô, xử lý nợ xấu, giải quyết ngân hàng đổ vỡ… Tuy nhiên, mục tiêu giảm lãi suất ngân hàng để hỗ trợ thêm cho nền kinh tế vẫn còn khó. Trong điều kiện hiện nay, tất cả các nguồn lực tín dụng kể cả nhà nước doanh nghiệp đều dựa vào ngân hàng thương mại là chưa thật bền vững.

Để ổn định hệ thống ngân hàng, cần tiếp tục tái cấu trúc, tạo lập cơ sở để nâng cao quản trị phát triển mới. Nếu như chúng ta không quyết liệt giải quyết những “điểm nghẽn” và không nâng cao kỹ năng quản trị sẽ khó thực hiện các mục tiêu ổn định hệ thống ngân hàng như đã đặt ra.

Tôi cũng cho rằng phải tái cơ cấu nợ công để giảm áp lực hàng năm cho vấn đề nợ công; trong đó kể cả phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, phải giải quyết đồng bộ giữa thị trường vốn, tức là thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm theo tinh thần tái cấu trúc.

Hiện nay tất cả mọi gánh nặng đều đổ lên ngân hàng thương mại khi không thể nào giải quyết được bài toán về vốn.

Về chính sách tài khóa, trọng tâm nhất là phải xem lại cân đối thu chi. Phải giảm cho được chi thường xuyên bằng các biện pháp; trong đó có cải cách hành chính.

Phó hiệu trưởng Trường đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân: Nâng cao chất lượng tăng trưởng

Việt Nam đã dành 5 năm (2011-2015) tập trung chủ lực cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Xuyên suốt mục tiêu đó, chúng ta đã tạo được ổn định kinh tế vĩ mô cho tới ngày hôm nay. Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định như vậy sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Trong năm 2015, tăng trưởng kinh tế đã tăng vượt so với chỉ tiêu đề ra và đạt mức 6,68% (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6,2%). Với nền tảng đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 hoàn toàn có thể đạt mức 6,7%.

Trong quá trình phát triển, điều quan trọng nhất là phải làm sao nâng cao được chất lượng tăng trưởng và tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Cũng trong 5 năm qua, chúng ta đã dành thời gian, trí tuệ cho việc hoàn thiện thể chế cơ chế thị trường, tạo lập được nền móng của thể chế vững chắc.

Cụ thể là Luật Đầu tư công, Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, hoặc là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư... Từ đó, giúp ta có cơ sở về thể chế thúc đẩy cho quá trình tăng trưởng kinh tế tốt hơn trong giai đoạn tới.

Theo kế hoạch đã được Quốc hội thông qua về các chỉ tiêu kinh tế xã hội; trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6,7%; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 10%; tốc độ nhập siêu 5%. ... Các chỉ tiêu này là hoàn toàn khả thi; đồng thời Chính phủ đã đề ra 9 giải pháp mà phải triển khai quyết liệt.

Đặc biệt, lần này các giải pháp được đặt nặng vào các vấn đề xã hội; trong đó có đảm bảo an sinh xã hội; an toàn vệ sinh thực phẩm; giảm tải y tế; tai nạn giao thông... Những vấn đề này đã được ghi vào Nghị quyết của Quốc hội.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ: Nhiều nhân tố mới mang tính chất ổn định

Căn cứ vào tình hình kinh tế-xã hội trong những năm gần đây, tôi thấy từ năm 2013 nền kinh tế đã phục hồi và có sự phát triển nhất định, tuy rằng sự phát triển này chưa thật bền vững. Biểu hiện rõ ràng nhất là tăng trưởng GDP của năm sau cao hơn năm trước, quý sau hơn quý trước; năng suất lao động cũng có sự tăng trưởng nhất định, hệ số ICO cũng có sự giảm xuống, như vậy đảm bảo được chất lượng nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông phát triển khá nhanh, cũng là điểm sáng so với 2010 theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 36 bậc; trong đó hạ tầng kinh tế nói chung tăng 24 bậc.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với đà tăng trưởng như hiện nay, năm 2016 sẽ có nhiều nhân tố mới mang tính chất ổn định và phát triển hơn. Chính vì vậy, tăng trưởng GDP năm 2016 ở mức 6,7% theo tôi là khả thi.

Tôi cũng khẳng định rằng kinh tế-xã hội 2016 sẽ có những đường nét phát triển tốt hơn, ổn định hơn và có chiều hướng hiệu quả hơn./.

(Nguồn:cafeF)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.