Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Doanh nghiệp Việt hụt hơi khi hội nhập
Ngày: 3/9/2016 9:53:14 AM
Xuất khẩu trong năm qua của Việt Nam đạt hơn 162 tỷ USD nhưng khối FDI chiếm gần 80%, theo ông Trần Đình Thiên, các doanh nghiệp nội đang ngày một nhỏ đi cả về quy mô lẫn ảnh hưởng và khó đủ nội lực để hội nhập.

Tại Hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2016 diễn ra ở TP HCM ngày 3/3, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những con số lạc quan như mức phục hồi tăng trưởng ổn định, lạm phát duy trì thấp “quá mức cần thiết”... luôn được thể hiện trong các báo cáo hàng năm. Nhưng điều này cũng không thể khỏa lấp được những yếu kém từ nội tại.

Bởi theo ông Thiên, sự phục hồi này là nhờ sự đóng góp lớn của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). "Nếu tăng trưởng chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp nước ngoài thì lợi ích sẽ phần lớn dành cho khu vực này thụ hưởng", ông nói và đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần phải nhìn vào sự phục hồi đó để biết trọng tâm chính sách cần đầu tư cho khu nào nhằm đảm bảo sức khỏe khi cạnh tranh.
doanh-nghiep-viet-hut-hoi-khi-hoi-nhap

PGS- Tiến sĩ Trần Đình Thiên lo lắng cho "thể lực" của doanh nghiệp Việt trong cuộc đua hội nhập. Ảnh: PV.

Trong năm 2015, Việt Nam tăng trưởng GDP ở 6,68%, vượt kế hoạch 6,2%; CPI ở mức 0,56%, lạm phát cơ bản 2,05% thấp nhất trong vòng 14 năm qua. Trong khi đó, mức tăng trưởng giá trị xuất khẩu thấp nhất trong 5 năm qua, đạt hơn 162 tỷ USD nhưng khu vực FDI đã chiếm gần 80% tổng giá trị này.

Ông Thiên cũng chỉ ra một thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày một nhỏ đi cả về quy mô lẫn ảnh hưởng. Số liệu thống kê về doanh nghiệp đóng cửa ngày một tăng lên đang làm cho nhiều người lo ngại về mức cạnh tranh và đó là dấu hiệu không tốt.

Năm 2015 doanh nghiệp đóng cửa tăng 22,4% so với năm 2014. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm, con số đóng cửa tăng 17,3% so với 2 cùng kỳ 2015. "Số thành lập có thể lớn hơn nhiều nhưng điều quan trọng là cần phải quan tâm đến con số đóng cửa, nếu không tính nguy kịch của con số đóng cửa lan ra là rất lớn", ông trăn trở.

Vấn đề cơ bản nhất hiện nay, theo ông Thiên là thái độ đối với môi trường kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và cả nhà làm chính sách vẫn chưa đúng mức. Khi hội nhập, chất lượng, quy mô của doanh nghiệp cần phải được nâng cao thì trong vài năm gần đây, doanh nghiệp lại yếu dần. Đó là sự mâu thuẫn. "Tham gia vào một trò chơi lớn mà thể lực thiếu hụt ngay từ đầu thì chiến đấu thế nào? Có trò chơi mới nhưng không biết cách thức vận hành trò chơi và cũng không ai hướng dẫn thì thực sự là bi kịch", ông Thiên bộc bạch.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng chỉ ra tư duy chính sách vĩ mô chưa phù hợp để đảm bảo cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Mặt khác, cấu trúc kinh tế của Việt Nam dựa rất nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài nên tiến vào hội nhập thì tư duy chính sách vĩ mô này thực sự có vấn đề. "Khi không nhanh chóng thay đổi cấu trúc vĩ mô tác động đến khu vực kinh tế nội địa thì rõ ràng đây là một ’thảm họa’ khi hội nhập", ông chia sẻ.

Viện trường Viện Kinh tế đồng thời cho rằng, các khối kinh tế nội địa cũng chỉ "vớt bèo" trong đà tăng trưởng này, đồng thời các FTA hiện đang tô hồng về cơ hội phát triển kinh tế. "Bây giờ mà Việt Nam còn loay hoay tháo gỡ chính sách thì không kịp nữa mà hãy lựa chọn sự thay đổi. Trước mắt phải thoát khỏi sự lệ thuộc vào khối đầu tư nước ngoài, tăng nội lực và khả năng tự chủ của mình", ông nói.

Muốn vậy, ông Thiên khuyến nghị, năm nay Việt Nam nên tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân. Thay đổi phương thức kinh doanh nông nghiệp, lấy doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp. Và khi đó, doanh nghiệp sẽ là lực lượng chủ lực cho ngành nông nghiệp phát triển.

(Nguồn:VNExpress)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.