Những điểm sáng của thế giới năm 2016
Ngày: 3/9/2016 9:57:37 AM
Dân trí Trong một thế giới đang chứa đựng nhiều phức tạp với các nguy cơ tiềm ẩn, người ta vẫn có thể nhận ra những gam màu sáng đáng để nhân loại hy vọng và lạc quan.
Theo giới phân tích, cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ năm 2008 với 4 giai đoạn (khủng hoảng - tiêu điều - phục hồi - hưng thịnh) thì nay đã ở cuối giai đoạn 2 và đầu của giai đoạn 3. Đặc trưng của giai đoạn 3 này là phục hồi nhưng chưa bền vững và đan xen với suy thoái nhỏ. Đây là vấn đề đã được các nhà kinh điển đề cập đến trong Học thuyết kinh tế.
Về thời gian của chu kỳ khủng hoảng thường là 7-10 năm thì nay mới được gần 7 năm. Những sai lầm trong điều hành vĩ mô của các nước cũng sẽ dần được nhận ra, nhất là sự phối hợp giữa các quốc gia nhằm khắc phục hiệu ứng toàn cầu trong khi sử dụng công cụ tài chính.
Việc “lạm dụng” công cụ tài chính một cách thái quá (lãi suất thấp quá lâu; gia tăng kích cầu đến mức mất cân đối; điều chỉnh tỷ giá bất thường; “thắt lưng buộc bụng” chưa hợp lý…) sẽ sớm được khắc phục.
Do thế giới toàn cầu hóa thì các nước ngày càng tùy thuộc lẫn nhau, thậm chí phụ thuộc vào nhau, khiến tư duy cạnh tranh theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, kỳ thị, sát phạt, thậm chí “tiêu diệt” lẫn nhau sớm muộn cũng phải loại bỏ, khiến những bất ổn về kinh tế có thể sớm được khắc phục.
Đến “đột phá” của mô hình TPP
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 quốc gia thành viên dân số hơn 792 triệu người, sản lượng kinh tế khoảng 25 ngàn tỷ USD, tương đương 40% GDP toàn cầu và 30% kim ngạch thương mại thế giới đã được ký kết chính thức, chỉ còn đợi Quốc hội 12 nước phê duyệt chậm nhất là vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018.
TPP với 10 tiêu chuẩn cao nhằm xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên; thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc về sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, an toàn lao động… tạo “cú hích” phát triển mới cho mỗi thành viên. Khiến TPP trở thành một trong những con đường chính để điều hành kinh tế toàn cầu vượt qua cả giới hạn mà WTO đã quy định.
Theo Tổng thống Mỹ Obama, TPP sẽ “tạo sân chơi bình đẳng” là vùng thương mại tự do lớn nhất thế giới, là nền tảng của “các quy định thương mại thế kỷ XXI”; ông Abe Thủ tướng Nhật Bản coi “Đây là một kết quả lớn không chỉ với Nhật mà với cả tương lai của châu Á-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng thương mại Úc Andrew Robb mô tả TPP là thỏa thuận quan trọng nhất mà các quốc gia đạt được trong 20 năm qua; còn Bộ trưởng Thương mại Canada Ed Fast lại cho rằng: “Chúng tôi đã đạt được những điều mà nhiều người nói là bất khả thi”…
Sự “bừng sáng” của AEC tại khu vực châu Á
Trong nội dung báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2016, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận xét: “Kinh tế thế giới trong năm 2016 sẽ lạc quan hơn với kỳ vọng tăng trưởng trung bình trong dài hạn, nhưng quay trở lại thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ và đồng bộ là rất khó khăn”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của thế giới như vậy, thì việc ra đời AEC (31/12/2015) là một điểm sáng ngay đầu năm mới 2016 và sẽ định hình cấu trúc khu vực mạnh mẽ hơn, thể hiện sinh động và năng động vai trò của mình trong một thế giới đầy biến động…
Trong khu vực châu Á có hai nền kinh tế là Việt Nam và Ấn Độ được HSBC, WB, IMF nhận định và dự báo khả quan, thậm chí họ còn nhận định Việt Nam và Ấn Độ sẽ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh đứng thứ nhất và thứ hai thế giới.
Những nhân tố hòa dịu đang tái lập
Đây là vấn đề tuy chưa có câu trả lời chính xác, nhưng những nhân tố tiềm năng đang xuất hiện. Cuộc đua tranh giữa các ứng cử viên Tổng thống Mỹ từ các ứng viên lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa đang sắp đến hồi gây cấn nhất.
Với sự bám đuổi và đổi ngôi giữa các ứng viên đại diện phe Cộng hòa có đường lối kinh tế và đối ngoại cứng rắn với sự mạnh mẽ, khôn ngoan có tính thuyết phục giới trung lưu và người lao động Mỹ của phe Dân chủ đang hứa hẹn nhiều kịch tính, với kỳ vọng sự thắng thế sẽ thuộc về ứng viên phù hợp với xu thế hòa bình và phát triển của nước Mỹ và toàn cầu.
Các cường quốc thế giới (Mỹ, Nga, EU, Trung Quốc…) sau một thời gian áp dụng chiến lược lỗi thời “bên miệng hố chiến tranh lạnh” nay đã được điều chỉnh “mềm hóa” hơn. Sự đồng thuận “hiếm hoi” Nga - Mỹ khiến Nghị quyết số 2254 của LHQ về hòa bình Syria đã được thông qua; việc phương Tây gỡ bỏ cấm vận với Iran, tái lập quan hệ bang giao Mỹ - Cuba… đã nói lên điều đó.
Và các “điểm nóng” có dấu hiệu hạ nhiệt
Tại điểm nóng Trung Đông, Ukraine với sự thỏa hiệp Nga - Mỹ, Nga - EU, khiến thế giới có thể kỳ vọng vào Nghị quyết mới của LHQ về hòa bình ở Syria, sự phối hợp tác chiến chống IS và sự trở lại với thỏa thuận Minsk, khiến quan hệ Đông - Tây có thể dần được tháo gỡ.
“Điểm nóng” ở Biển Đông và Hoa Đông cũng có thể hạ nhiệt nhờ các bên tranh chấp, nhất là nhân tố chủ đạo trong khu vực có thể điều chỉnh chính sách của mình phù hợp hơn vì lợi ích của chính họ, khu vực và toàn cầu.
Mỹ và các đồng minh đã tỏ ra quyết đoán hơn trong việc bảo đản an ninh hàng hải và hàng không; AEC sẽ đoàn kết hơn, linh hoạt và khôn khéo hơn trong đòi hỏi các bên tuân thủ Công ước về Luật Biển của LHQ, thực hiện DOC và tiến tới hoàn tất COC, khiến hòa bình và ổn định trên Biển Đông và Hoa Đông có thể được duy trì.
Như vậy, trong “tâm trạng” rối bời của nền an ninh thế giới đang chuyển động từ định hướng sang định hình, người ta vẫn nhận thấy những nhân tố mới phản ánh xu thế khách quan của thời đại, khiến cho sự lạc quan và kỳ vọng vào năm mới 2016 là có cơ sở.
(Nguồn:Dantri.com.vn)