Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, 5 tháng đầu năm 2016, cả nước có hơn 28.600 doanh nghiệp (DN) phải ngừng hoạt động do khó khăn và hơn 4.600 DN chính thức phá sản.
Tính chung, trong 5 tháng đầu năm, số DN phá sản và tạm ngừng hoạt động cả nước là 33.243 DN. Còn mỗi tháng có khoảng 6.600 DN, mỗi ngày có 221 DN phá sản, ngừng hoạt động.
Đáng nói, trong số hơn 28.600 DN ngừng hoạt động do khó khăn, thì có gần 10.800 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 17.800 DN đóng mã số thuế hoặc không đăng ký kinh doanh thêm.
Dựa vào số DN phá sản 5 tháng qua, trung bình chung mỗi tháng có hơn 5.700 DN rời bỏ thị trường, mỗi ngày có 190 DN phá sản, đóng cửa.
Trước đó, trong 4 tháng đầu năm, theo con số thống kê của Tổng cục, sống DN dừng hoạt động, phá sản đạt hơn 25.000. Như vậy, riêng trong tháng 5/2016 có hơn 3.400 DN phá sản, ngừng hoạt động, giảm so với trung bình chung của 5 tháng đầu năm 2016.
Về số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng qua có 44.740 DN đăng ký thành lập mới, tăng 24,1% về số DN, tổng số vốn đạt hơn 349.500 tỷ đồng, vốn trung bình đạt 7,8 tỷ đồng/DN. Như vậy, mỗi tháng có gần 9.000 DN được thành lập mới, mỗi ngày có hơn 300 DN được thành lập.
Về tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, báo cáo của Tổng cục thống kê cho biết, 5 tháng đầu năm 2016, số vốn FDI đạt 10,1 tỷ USD, tăng 136% so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư số 1 với 274 dự án, tổng vốn 3,4 tỷ USD.
Ngành công nghệ chế biến, chế tạo dẫn đầu về thu hút FDI, tiếp sau là thông tin, truyền thông và bất động sản. Hà Nội là địa phương dẫn đầu về thu hút FDI 5 tháng qua với 2 tỷ USD, chiếm hơn 19% tổng vốn.
Về xuất nhập khẩu, 5 tháng đầu năm cả nước xuất siêu 1,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 67,7 tỷ USD, còn nhập khẩu đạt 66,3 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhất của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ với 14,6 tỷ USD; thị trường nhập khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc với 19,2 tỷ USD.