Tại Việt Nam, số liệu 9 tháng năm tài chính 2016 cho thấy Parkson đang gánh khoản lỗ trước thuế 80 tỉ đồng.
Cách đây hơn 1 năm, NCĐT đã có bài viết phản ánh tình trạng kinh doanh không hiệu quả của hệ thống trung tâm thương mại Parkson Retail Asia Limited (Parkson) tại Việt Nam cùng với hy vọng nhà bán lẻ hàng đầu châu Á này sẽ tái cấu trúc hệ thống và quay trở lại mạnh mẽ. Nhưng điều đáng tiếc là tình hình kinh doanh của Parkson từ đó đến nay vẫn chưa mấy khởi sắc. Điển hình là mới đây, thêm một trung tâm thương mại nữa của Parkson tại Khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) trong tòa nhà Paragon đã đóng cửa, tiếp nối theo việc đóng cửa trung tâm thương mại Parkson tại tòa nhà Keangnam (Hà Nội) đầu năm 2015.
Báo cáo quý III (kết thúc vào ngày 31.3.2016) của Parkson cho thấy, bất chấp một số trung tâm thương mại mới đi vào vận hành, nhưng doanh thu của quý sụt giảm mạnh đến 15,6% với 71,5 triệu USD, dẫn tới doanh thu lũy kế 9 tháng trong năm tài chính của hãng bán lẻ này chỉ còn 294,6 triệu USD, giảm mạnh 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối năm 2015, Parkson đang hoạt động tại 4 quốc gia là Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Myanmar với tổng diện tích sàn thương mại lên đến 693.000 m2. Tuy vậy, trong khi các cửa hàng tại Indonesia đang kinh doanh khá tốt, ở 3 quốc gia còn lại, tình trạng ế ẩm ngày càng gia tăng, nhất là Việt Nam và Malaysia khi doanh thu sụt giảm lần lượt 8,2% và 17,4% trong quý III/2015.
Riêng tại thị trường Việt Nam, số liệu 9 tháng năm tài chính 2016 cho thấy, Parkson đang gánh khoản lỗ trước thuế 4,9 triệu đô la Singapore (khoảng 80 tỉ đồng Việt Nam). Đây là điều đáng tiếc cho một trong những nhà bán lẻ gia nhập thị trường Việt Nam khá sớm vào năm 2005.
“Trong giai đoạn đầu mới gia nhập thị trường Việt Nam (2007-2010), Parkson chiếm được thị phần lớn; thị trường bán lẻ ở thời điểm này phát triển mạnh và đạt lợi nhuận. Tuy nhiên, mô hình này không phù hợp với các trung tâm mua sắm hiện nay, nơi mà khách hàng có thể thỏa mãn tất cả nhu cầu mua sắm, giải trí, thực phẩm và đồ uống… trong cùng một nơi. Khách hàng yêu cầu cao hơn khi muốn trải nghiệm không gian thiết kế trung tâm thương mại khác nhau và đưa ra so sánh tốt hơn. Họ có thể dễ dàng nhìn ra sự khác biệt giữa các trung tâm thương mại và khiến thị trường bán lẻ trở nên cạnh tranh hơn”, bà Võ Thị Phương Mai, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam, nhận định.
Mới đây, thêm một trung tâm thương mại nữa của Parkson tại quận 7 đã đóng cửa.
Thị trường bán lẻ cao cấp của Việt Nam được xem vẫn rất tiềm năng khi dân số đông và GDP bình quân theo đầu người đã vượt ngưỡng 2.000 USD để tiến lên các cột mốc cao hơn. Nhiều nhà bán lẻ hàng đầu thế giới đã hiện diện tại Việt Nam và kéo theo những nhãn hàng thời thượng. Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam sẽ chạm mức 45% thị phần bán lẻ, số trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm cũng tăng lên lần lượt là 180 và 157.
Bên cạnh các nhà đầu tư Thái Lan, Hàn Quốc, các doanh nghiệp trong nước cũng tích cực mở rộng. Đầu năm nay, Vingroup tiếp tục khai trương trung tâm thương mại thứ 5 Vincom Plaza rộng hơn 22.400 m2 tại Gò Vấp, quy tụ hơn 70 gian hàng của các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Mục tiêu mà Vingroup đặt ra trong năm nay là mở thêm đến 50 trung tâm thương mại trên toàn quốc.
Nhưng vấn đề là trong ngắn hạn, dường như nguồn cung trung tâm thương mại đã vượt cầu. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, số lượng các nhà bán lẻ nội và ngoại hiện diện trên thị trường đã lên tới hàng chục tên tuổi. Trung bình nếu mỗi nhà bán lẻ sở hữu khoảng 5 trung tâm thương mại, thì số trung tâm thương mại đã lên đến trên 50. Trong khi sức mua của người dân chỉ mới phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng năm 2008 -2009. Rõ ràng, cuộc chiến sinh tồn ở phân khúc trung tâm thương mại cũng gay cấn không kém gì so với phân khúc siêu thị.
Theo ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Vietnam, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là một phân khúc phát triển chưa đồng đều. Trong đó mới có một con số khiêm tốn các trung tâm đang thương mại đang hoạt động tốt là Vivo City, Lotte hay AEON.
Các đối thủ của Parkson như Vivo City, Crescent Mall, AEON, hay Vincom trưng bày khá đa dạng các sản phẩm, sở hữu mặt bằng rộng lớn được thiết kế bắt mắt, cùng kết hợp với nhiều loại hình giải trí như xem phim, nhà hàng, khu trượt băng, khu vui chơi trẻ em… Các nhà bản lẻ này cũng thường xuyên tung ra các đợt khuyến mãi rầm rộ để thu hút khách hàng. Trong khi đó, dễ thấy các trung tâm thương mại của Parkson khá kín tiếng, nếu không muốn nói là đơn điệu.
Thách thức thứ 2 chính là giá cả. Dù thu nhập đang dần cải thiện nhưng Việt Nam vẫn chỉ mới ở ngưỡng thu nhập trung bình thấp. Thậm chí theo nghiên cứu của Công ty Nielsen mới đây, người Việt tiết kiệm đứng đầu thế giới. Có tới 82% người Việt cắt giảm chi phí trong năm 2015, trong đó 61% giảm chi quần áo, 58% giảm chi phí giải trí bên ngoài. Yếu tố giá cả vì thế sẽ là điểm then chốt và thách thức nhất cho các nhà bán lẻ hiện đại trong tương lai gần nếu muốn thu hút được nhiều người mua. Chưa kể, xu hướng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến cũng đang lấy đi một miếng bánh không nhỏ của nhiều trung tâm thương mại.
Rõ ràng để là người chiến thắng trên thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam không phải là điều dễ dàng, thậm chí kể cả nhà đầu tư giàu kinh nghiệm trên thế giới và đã sở hữu những vị trí bán lẻ đắc địa.
“Nhà đầu tư nước ngoài, ngoài việc có vốn đầu tư lớn, thì kinh nghiệm vận hành quản lý mặt bằng bán lẻ tại nước sở tại hoặc một số nước khác trước khi vào Việt Nam là những yêu cầu quan trọng nếu muốn thành công trong lĩnh vực này. Nhìn chung, nhà đầu tư cần nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng về sức mua, sức hấp thụ, thói quen mua sắm của người Việt, nên tìm hiểu về đối tác đầu tư trong nước, định vị phát triển đúng mô hình cộng với kinh nghiệm vận hành mới mang lại hiệu quả”, bà Mai, Cushman & Wakefield Việt Nam, nói.