Một nội dung đáng chú ý tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016 vừa diễn ra là Chính phủ thảo luận về Đề án định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn tại Việt Nam.
Trả lời báo chí ngay sau phiên họp, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ liên quan xây dựng đề án. Thực hiện kết luận của Thủ tướng và ý kiến các thành viên Chính phủ, NHNN đang hoàn thiện một số nội dung để trình lại Chính phủ.
Tự do hóa giao dịch vốn là sự dỡ bỏ các quy định hạn chế dòng vốn, nhưng không loại bỏ các biện pháp hạn chế tạm thời trong những hoàn cảnh đặc biệt khi mà việc duy trì các biện pháp thận trọng là cần thiết để bảo đảm ổn định hệ thống tài chính và an ninh quốc gia.
Phần lớn đã tự do hóa
Theo NHNN, tham chiếu bảng chấm điểm về tự do hóa tài khoản vốn do các thành viên ASEAN đưa ra và chỉ số hội nhập tài chính (KAOPEN), Việt Nam được xếp vào nhóm tự hóa cao trong khu vực, tương đương với Thái Lan. Dòng vốn vào Việt Nam phần lớn đã được tự do hóa.
Các quy định về quản lý dòng vốn tại Việt Nam đã và đang hướng theo lộ trình tự do hóa các dòng vốn, tuy nhiên vẫn bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này thể hiện ở việc mở cửa dòng vốn một cách thận trọng hướng tới tăng trưởng bền vững và hạn chế rủi ro. Đồng thời gỡ bỏ dần các quy định hành chính hạn chế sự luân chuyển dòng vốn, tăng cường sử dụng các biện pháp giám sát an toàn vĩ mô hơn là các biện pháp kiểm soát hành chính với dòng vốn.
Mặt khác, thực tế những năm qua cũng cho thấy, mặc dù NHNN và các bộ ngành đã nỗ lực điều chỉnh các chính sách tiền tệ, tỷ giá và các chính sách vĩ mô khác, song mức độ mở cửa dòng vốn lớn đã tạo ra những bất ổn nhất định trong một vài giai đoạn như biến động dòng vốn ngắn hạn lớn, thặng dư cán cân vốn và tài chính chưa bền vững.
Theo NHNN, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, đồng thời các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong trung hạn còn phụ thuộc vào định hướng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, việc tự do hóa giao dịch vốn cần tiếp tục duy trì theo hướng thận trọng, có chọn lọc, song song với việc xây dựng, phát triển thị trường tài chính, tiền tệ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo tiền đề cho việc tiến tới tự do hóa hoàn toàn khi đáp ứng đủ điều kiện.
Được biết, Đề án được NHNN xây dựng theo hướng giảm thiểu các biện pháp can thiệp hành chính, chuyển sang áp dụng các biện pháp kinh tế tác động vào lợi ích của các chủ thể để điều chỉnh dòng vốn như chính sách thuế, lãi suất và tăng cường hiệu quả các hiệu quả các giám sát an toàn vĩ mô…
Cần nhiều điều kiện tiền đề
Theo các lý thuyết kinh tế, tự do hóa tài chính nói chung và tự do hóa các giao dịch vốn nói riêng mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế cũng như hệ thống tài chính của một quốc gia.
Cụ thể là tác động tích cực đến thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tri thức qua biên giới quốc gia, góp phần tạo môi trường đầu tư minh bạch, linh hoạt và hiệu quả hơn, gián tiếp cải thiện hoạt động kinh tế vĩ mô thông qua sự dịch chuyển hiệu quả các dòng vốn.
Tuy nhiên, tự do hóa giao dịch vốn cũng có thể mang lại những tác động tiêu cực khi các điều kiện tiền đề để tự do hóa chưa được bảo đảm, ví dụ như như có thể gắn với những rủi ro kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng tín dụng đột ngột làm gia tăng tỷ giá thực, tạo ra áp lực lạm phát và các hệ lụy kèm theo. Tự do hóa giao dịch vốn cũng có thể gây bất ổn hệ thống tài chính qua việc làm tăng giá tài sản trong nền kinh tế. Cùng với đó là rủi ro đảo chiều dòng vốn đột ngột.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy để chuẩn bị cho tự do hóa giao dịch vốn, cần xây dựng lộ trình phù hợp với mục tiêu chính sách và thực trạng phát triển của nền kinh tế, đồng thời khuôn khổ các chính sách vĩ mô phải hướng tới sự đồng bộ và hiệu quả, khung pháp lý phải minh bạch và có hệ thống thông tin giám sát kịp thời.
Cùng với đó là các điều kiện tiền đề về nền tảng kinh tế vĩ mô, về khả năng phòng vệ trước các rủi ro biến động dòng vốn, điều kiện về mức độ phát triển hệ thống ngân hàng, tài chính, điều kiện về năng lực quản lý và điều kiện về hệ thống thông tin.