Từ ngày 16-18/6 tại TP. Vũng Tàu, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức hội nghị “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và tác động đối với Việt Nam”.
Hội nghị này được tổ chức nhằm cung cấp thông tin toàn diện, phân tích cam kết của Việt Nam trong TPP cũng như đánh giá sự chuẩn bị của DN, trao đổi về vai trò của Quốc hội trong phê chuẩn, giám sát thực hiện Hiệp định này.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, bên cạnh những thuận lợi khi tham gia TPP, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi quy mô nền kinh tế nhỏ, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) còn yếu.
Điều này đòi hỏi Việt Nam phải triển khai đồng bộ và kịp thời những biện pháp hữu hiệu để tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, nhằm khai thác tối đa các cơ hội, đồng thời hạn chế thấp nhất những rủi ro, khó khăn khi thực hiện TPP.
Trên tinh thần đó, các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là Quốc hội, với vai trò và chức năng của mình, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách, hội nhập quốc tế mà Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra. Với thẩm quyền phê chuẩn các điều ước quốc tế, Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm khung pháp lý cho việc thực thi các cam kết của Việt Nam khi tham gia TPP.
Tại hội nghị, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đã nêu tổng quan về các nội dung cơ bản của Hiệp định này. Theo đó, Hiệp định TPP có phạm vi điều chỉnh rất rộng, bao gồm không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các lĩnh vực phi truyền thống như cạnh tranh, thương mại và môi trường, thương mại và lao động.
Trong đó có cả những vấn đề lần đầu tiên xuất hiện trong khuôn khổ một hiệp định tự do thương mại như doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho các dây chuyền cung ứng. Mức độ cam kết cũng rất sâu và có tính ràng buộc cao.
Nhiều đại biểu cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành, nhất là sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội để triển khai và thực thi một cách đồng bộ các quy định phù hợp với các thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, qua đó tạo thuận lợi cho thương mại hóa, giúp các DN trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, khi tham gia TPP, muốn tận dụng tốt các cơ hội, các chính sách của Việt Nam cần hướng tới đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ logistics. Đặc biệt, cần triển khai có hiệu quả Nghị quyết 19 của Chính phủ tới các cơ quan thực thi nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thương mại.
Trong những ngày tiếp theo, hội nghị sẽ thảo luận về các chương cũng như những vấn đề cụ thể trong TPP, bao gồm lao động, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, quy tắc xuất xứ và dệt may.