Nhà đầu tư đề xuất dự án cảng biển có vốn đầu tư 1,5 tỷ USD và dự án chăn nuôi, công nghiệp thực phẩm có vốn 1 tỷ USD...
Tỉnh Hà Tĩnh đã chính thức chấp thuận về mặt chủ trương cho Wei Yu Engineering - một doanh nghiệp của Đài Loan - thực hiện dự án nông nghiệp, cầu cảng tại khu kinh tế Vũng Áng.
Theo đó, nhà đầu tư đề xuất sẽ triển khai dự án cảng biển có vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, dự án chăn nuôi và công nghiệp thực phẩm có vốn 1 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư hai dự án là 2,5 tỷ USD.
Nhà đầu tư cam kết sử dụng công nghệ cao, hiện đại, bảo vệ môi trường. Tổng diện tích dự án là 1.000 ha.
Trong đó, Wei Yu sẽ xây dựng 5 cầu cảng tại Vũng Áng bao gồm các cảng số 7, 8, 9, 10, 11. Đây là các cầu cảng vẫn chưa được xây dựng. Khu hậu cần cảng được Wei Yu đề xuất sử dụng 96,8 ha.
Về dự án nuôi trồng, công ty dự định phát triển ngành chăn nuôi lợn, gà, sản xuất rau quả với diện tích tổng hợp là 800 ha. Xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, chế biến bột mì, dầu ăn, thịt đông lạnh, bảo quản thực phẩm…
Wei Yu còn dự định xây nhà điều hành và ký túc xá cho các chuyên gia, kỹ sư của công ty, với diện tích 80 ha.
Trong văn bản gửi lên UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nhận định đây là dự án có quy mô lớn, phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh. Dự án đầu tư vào nông nghiệp, sử dụng công nghệ cao, thu hút nhiều lao động.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cũng đề xuất UBND tỉnh đồng ý về nguyên tắc cho phép Wei Yu khảo sát, đề xuất các nội dung phát triển cầu cảng, phát triển tổng hợp ngành nuôi trồng trên cơ sở quy hoạch và điều kiện thực tế đảm bảo tính hiệu quả, khả thi và phát triển bền vững. Trước mắt sẽ khảo sát giai đoạn 1 của dự án để thực hiện rồi đề xuất các giai đoạn tiếp theo.
Về đề xuất sử dụng diện tích 1.000 ha đất, tỉnh Hà Tĩnh cho biết có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, về công nghệ, Wei Yu chưa nêu rõ các biện pháp xử lý môi trường trong báo cáo đầu tư.
Trong dự thảo văn bản của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh ủng hộ và cho phép Wei Yu khảo sát, lập dự án sau đó trình cơ quan thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Giao các cơ quan ban ngành, ban quản lý kinh tế của tỉnh giúp đỡ, hướng dẫn thông tin cần thiết cho nhà đầu tư.
Những năm gần đây, luồng vốn đầu tư trực tiếp từ Đài Loan chảy mạnh vào miền Trung, đặc biệt là khu kinh tế Vũng Áng. Trước đó, tập đoàn Formosa đã rót 10,5 tỷ USD thực hiện dự án thép giai đoạn 1, dự định nâng tổng mức đầu tư lên 28,5 tỷ USD.
4 tháng đầu năm 2016, Đài Loan là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam với 666 triệu USD. Luỹ kế, hiện nhà đầu tư Đài Loan đã rót khoảng gần 29 tỷ USD vào Việt Nam, tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo.
Hà Tĩnh và Đồng Nai hiện là hai tỉnh thu hút vốn đầu tư lớn nhất từ Đài Loan.