Trở thành nhà sáng lập không có nghĩa là bạn đã có một vị trí vững chắc trong công ty và không bao giờ bị sa thải. Steve Jobs của Apple và Jack Dorsey của Twitter là 2 trường hợp điển hình của nhà lãnh đạo từng bị sa thải khỏi công ty do chính mình sáng lập. Nghe thì có vẻ vô lý nhưng vì sao điều này vẫn thường xuyên xảy ra?
Theo Quora, dưới đây là 9 lý do khiến các nhà lãnh đạo thường bị “tống cổ” khỏi công ty do chính mình sáng lập.
1. Họ không còn có ích đối với công ty
Sáng lập một công ty không đảm bảo cho việc bạn cống hiến suốt đời cho công ty đó. Cũng giống như mọi nhân viên khác, bạn phải làm việc chăm chỉ để tạo ra lợi nhuận cho công ty và sự đóng góp đó được ghi nhận bởi Hội đồng quản trị. Nếu bạn không thể tạo ra lợi nhuận cho công ty nữa, sớm hay muộn bạn cũng sẽ bị “đá” đi.
2. Họ quá tham lam
Khi bạn thúc ép các nhà đầu tư quá nhiều về việc rót vốn vào một thương vụ mà bạn cho rằng chắc chắn sẽ thu được lợi nhuận lớn, họ sẽ cảm thấy khó chịu. Dù bạn ký được hợp đồng với lợi nhuận lớn thật, các nhà đầu tư cũng sẽ không hài lòng và cho rằng bạn quá tham lam. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ bị sa thải khỏi công ty bởi chính các nhà đầu tư.
3. Họ không còn phù hợp với sứ mệnh của tổ chức
Đây là lý do chủ yếu khiến nhiều nhà sáng lập bị đuổi khỏi công ty của mình. Thông thường các nhà sáng lập chỉ rất sáng suốt khi tìm ra thị trường và giải pháp (thành lập công ty) nhưng lại không đủ nhạy bén để ổn định và chèo lái công ty đi đường dài. Trong trường hợp này, các nhà sáng lập thường rất khó khăn khi đưa ra quyết định thuê một ông chủ khác về điều hành công ty. Do đó, một số lựa chọn từ chức, một số sẽ bị sa thải.
4. Họ có những quyết định sai lầm
Các nhà sáng lập thường phải đối mặt với rất nhiều quyết định khó khăn để duy trì công ty. Nhà đầu tư sẽ giúp họ rất nhiều trong việc giải quyết những khó khăn đó. Tuy nhiên, khi nhà lãnh đạo đưa ra quyết định sai lầm, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn tìm kiếm một CEO khác thay thế.
5. Họ không thể duy trì văn hóa công ty
Mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo và các nhân viên trong công ty sẽ dần trở nên gắn bó theo thời gian. Tuy nhiên đôi khi điều này sẽ trở thành một rào cản, chứ không phải lợi thế. Nó cũng giống như khi một người bạn cùng phòng trở thành đồng nghiệp và các bạn ở bên nhau cả ngày lẫn đêm. Lúc đó, mâu thuẫn sẽ xảy ra và ảnh hưởng đến văn hóa của công ty. Là lãnh đạo, khi bạn không thể duy trì văn hóa của công ty sẽ là lúc bạn cần phải rời khỏi vị trí của mình.
6. Họ trở thành nạn nhân của những cuộc tranh đấu quyền lực trong công ty
Khi công ty phát triển lớn mạnh hơn, nhà sáng lập sẽ chấp nhận thuê thêm một CEO (Giám đốc điều hành) để cùng quản lý công ty. Nhưng các cuộc tranh đấu quyền lực sẽ nhanh chóng xảy ra và khi nhà sáng lập trở thành nạn nhân, họ sẽ phải lực chọn giữa việc tự rời đi hay bị “đá” khỏi công ty.
7. Họ không đạt được mục tiêu của công ty
Khi nhà sáng lập không đạt được mục tiêu về doanh thu, lợi nhuận cho công ty, họ có thể được Hội đồng quản trị “bỏ qua” nhưng các nhà đầu tư chắc chắn sẽ không “bỏ qua”. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhà sáng lập bị “tống cổ” khỏi công ty của mình.
8. Họ mất quyền kiểm soát
Trong một số trường hợp, nhà sáng lập bị sa thải do mất đi quyền kiểm soát chính tại công ty của mình vào tay người khác để huy động vốn hoặc do nhà đầu tư không còn niềm tin vào nhà sáng lập.
9. Họ quá bảo thủ
Các nhà sáng lập cho rằng những quy định cũ kĩ và có từ lâu đời sẽ giúp định hướng dài hạn và đảm bảo mọi việc luôn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, điều này đôi khi trở thành lạc hậu và không phù hợp với quan điểm của các nhà đầu tư. Trong trường hợp này, nhà đầu tư sẽ lựa chọn tìm kiếm một nhà quản lý khác linh hoạt và biết nắm bắt thời cơ hơn.