Trong nửa đầu năm 2016, Việt Nam ước xuất siêu 1,5 tỉ đô la Mỹ, nhưng Tổng cục Thống kê dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm nay khó đạt mục tiêu 10%.
Theo cơ quan thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt 162,9 tỉ đô la Mỹ, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 82,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 80,7 tỉ đô la Mỹ, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính ra, trong nửa đầu năm 2016, cả nước xuất siêu được khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, kết quả xuất siêu này chỉ có sự đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài do khu vực này xuất siêu 11,2 tỉ đô la Mỹ, trong khi khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu lên đến 9,7 tỉ đô la Mỹ trong 6 tháng nay.
Những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cũng thể hiện về ưu thế của doanh nghiệp FDI như điện thoại và linh kiện đạt 17,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 16,7%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 7,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,1%...
Ngược lại một số mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam cùng thời gian này có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước: gạo đạt 1,3 tỉ đô la Mỹ, giảm 2,7%; dầu thô đạt 1,1 tỉ đô la Mỹ, giảm 46,6%...
Sáu tháng qua, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 17,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 16,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,8%; Trung Quốc đạt 9,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,3%...
Trong khi đó ở chiều ngược lại, so với cùng kỳ năm ngoái, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam giảm ở một số mặt hàng như máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng chỉ đạt 13,1 tỉ đô la Mỹ, giảm 5,9%; xăng dầu đạt 2,4 tỉ đô la Mỹ, giảm 17,5% (lượng tăng 28,1%)...
Bên cạnh đó, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,1%; vải đạt 5,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 3,5%; sắt thép đạt 3,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,8% ...
Dù 6 tháng đầu năm nay xuất siêu 1,5 tỉ đô la Mỹ, nhưng theo cơ quan thống kê, nếu giá cả hàng hóa trên thế giới tiếp tục giảm, cùng với những khó khăn của kinh tế thế giới và sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước sẽ khiến tăng trưởng xuất khẩu năm nay khó đạt mục tiêu 10%.