Khoản vốn vay ODA nhằm hỗ trợ ngân sách cho Chính phủ Việt Nam triển khai Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh (EMCC) với mục tiêu tăng cường cải cách một số lĩnh vực ưu tiên trong quá trình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Chiều 6/9, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada đã cùng ký Công hàm trao đổi về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp cho Chính phủ Việt Nam khoản vốn vay ODA tài khóa 2016 trị giá 11 tỷ Yên để tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế.
Khoản vốn ODA nói trên được cung cấp để hỗ trợ ngân sách cho Chính phủ Việt Nam triển khai Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh (EMCC) với mục tiêu tăng cường cải cách một số lĩnh vực ưu tiên trong quá trình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua vào tháng 4/2016.
Hoạt động này hỗ trợ thực hiện cải cách chính sách xuyên suốt 3 trụ cột nhằm giúp Chính phủ Việt Nam:
(1) Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng cường quản trị ngành tài chính và quản lý tài khoá trong đó bao gồm cả các chính sách giải quyết nợ xấu, cải cách ngân hàng, quản lý nợ và quản lý kho bạc;
(2) Tăng cường minh bạch, tiết kiệm và trách nhiệm trong khu vực công. Tăng cường bộ máy hành chính công, quản lý doanh nghiệp nhà nước và tăng cường quản lý đầu tư công hướng tới nâng cao minh bạch và làm cho môi trường quản lý nhà nước lành mạnh hơn;
(3) Cải thiện môi trường kinh doanh. Giảm gánh nặng hành chính, cải thiện chính sách thuế và mua sắm công, cải thiện thủ tục hành chính.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung khẳng định, là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất của Việt Nam trong thời gian qua, ODA của Chính phủ Nhật Bản đã đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Với khoản vay ODA lần thứ 3 cho chương trình nêu trên, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ cho các nỗ lực cải cách chính sách của Chính phủ Việt Nam, nhằm đảm bảo thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020.
“Tôi tin tưởng rằng, việc thực hiện thành công chương trình nêu trên sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh và khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết sử dụng khoản vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản đúng mục đích và có hiệu quả cao nhất.
Về phần mình, Ngài Hiroshi Fukada bày tỏ sự vui mừng sau lễ ký kết, đồng thời bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng khoản vốn vay hỗ trợ này một cách minh bạch, hiệu quả, giúp Việt Nam cải cách hành chính và thể chế hành chính.
“Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế lớn mạnh hơn nữa. Rất mong Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội và người dân cùng đoàn kết, tiếp tục nỗ lực đưa kinh tế Việt Nam phát triển hơn nữa trong thời gian tới”, Ngài Hiroshi Fukada nhấn mạnh.
Công hàm trao đổi được ký ngày hôm nay quy định các điều kiện khung cho việc cung cấp và sử dụng khoản vốn ODA dành cho chương trình nêu trên. Trên cơ sờ các điều kiện khung này, lãnh đạo Bộ Tài chính Việt Nam và đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tê Nhật Bản (JICA) cũng sẽ ký hiệp định vay cụ thể cho chương trình.
Kể từ khi nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam vào năm 1992 đến nay, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ lớn nhất cho Chính phủ Việt Nam Việt Nam. Với 11 tỷ Yên vốn ODA thông qua Công hàm trao đổi được chính thức ký kết hôm nay, cam kết ODA (bao gồm viện trợ không hoàn lại và vốn ODA) của Chính phủ Nhật Bản dành cho Chính phủ Việt Nam tư 1992 đến nay đạt khoảng 2.800 tỷ Yên.