So với các địa phương khác trong cả nước, tại TP. Cần Thơ, các khu chế xuất và khu công nghiệp hình thành từ rất sớm và nhanh chóng thu hút doanh nghiệp đến sản xuất, kinh doanh.
Chưa đầy 1 năm sau khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 322/HĐBT ngày 18/10/1991 về Quy chế khu chế xuất, thì đến ngày 21/9/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã cho phép tỉnh Cần Thơ (cũ) được thành lập khu chế xuất tại Trà Nóc (Khu công nghiệp Trà Nóc 1 hiện nay). Đây là một trong 4 khu chế xuất được thành lập đầu tiên trong cả nước.
Chỉ sau 5 năm thành lập, KCN Trà Nóc 1 đã lấp đầy 90% diện tích, thuộc tốp đầu cả nước. Sự thành công của KCN Trà Nóc được Ban Quản lý các khu công nghiệp Việt Nam đánh giá là điểm sáng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Sau khi KCN Trà Nóc 1 lấp đầy, để đáp ứng nhu cầu thuê đất của các nhà đầu tư, tỉnh Cần Thơ (cũ) tiếp tục quy hoạch xây dựng thêm nhiều khu công nghiệp bám theo tuyến sông Hậu và Quốc lộ 91, thuộc địa bàn các quận Cái Răng, Ô Môn và Thốt Nốt, nhằm phát huy lợi thế “tiền sông hậu lộ”.
Tính đến nay, trên địa bàn Cần Thơ có 6 khu công nghiệp tập trung, gồm: KCN Trà Nóc 1 (135 ha), có 125 dự án, tỷ lệ lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp; KCN Trà Nóc 2 (155 ha, nằm liền kề KCN Trà Nóc 1), có 60 dự án, tỷ lệ lấp đầy 96% diện tích đất công nghiệp; KCN Hưng Phú 1 (262 ha), có 8 dự án, tỷ lệ lấp đầy 21,19% diện tích đất công nghiệp; KCN Hưng Phú 2A (134 ha), có 7 dự án, tỷ lệ lấp đầy 43,39% diện tích đất công nghiệp; KCN Hưng Phú 2B (62 ha), có 1 dự án, Công ty TNHH Tae Kwang Cần Thơ (Hàn Quốc) đã thuê hết 100% diện tích đất KCN này; KCN Thốt Nốt (600 ha), đã triển khai giai đoạn I (104 ha), có 21 dự án, tỷ lệ lấp đầy 61% diện tích đất công nghiệp.
Ngoài ra, trên địa bàn Cần Thơ còn có 2 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch Phát triển các khu công nghiệp Việt Nam (theo Công văn số 2209/TTg - KTN ngày 15/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ) là: KCN Ô Môn có diện tích 600 ha, KCN Bắc Ô Môn có diện tích 400 ha.
Trong 9 tháng đầu năm nay, các khu công nghiệp Cần Thơ thu hút được 7 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 190 triệu USD, trong đó có Dự án Đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng phát triển khu công nghiệp và Nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày thể thao của Công ty TNHH Tae Kwang Cần Thơ tại KCN Hưng Phú 2 B (quận Cái Răng) có quy mô 62 ha, trong đó diện tích sử dụng cho nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày là 52 ha, diện tích còn lại để xây dựng khu dịch vụ, thương mại, nhà kho cho thuê. Tổng vốn đầu tư của dự án là gần 171,5 triệu USD.
Tính đến nay, các khu công nghiệp Cần Thơ có 223 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,123 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 924,275 triệu USD, chiếm 43,54% vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, 22 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 369,875 triệu USD, vốn thực hiện 199,252 triệu USD, chiếm 53,87% vốn đầu tư đăng ký. Về hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong năm 2015, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Cần Thơ đạt 1,438 tỷ USD. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1,15 tỷ USD, dịch vụ thương mại đạt 288 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 552 triệu USD; thực hiện các nghĩa vụ thuế 1.986 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 32.012 lao động. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, ước tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt trên 1,181 tỷ USD, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 904 triệu USD, dịch vụ thương mại đạt trên 277 triệu USD và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 450 triệu USD.
Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp Cần Thơ đã đóng góp lớn vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của TP. Cần Thơ nói riêng, Vùng ĐBSCL và cả nước nói chung. Các khu công nghiệp Cần Thơ không những đã tác động tích cực đến thu hút đầu tư, đến sản xuất công nghiệp để xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, giải quyết việc làm cho lao động địa phương và các tỉnh lân cận trong vùng, mà còn góp phần tạo điều kiện đưa Cần Thơ trở thành đô thị loại I và là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Các khu công nghiệp Cần Thơ thực sự đóng vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển dịch vụ và đã tác động lan tỏa tích cực trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của TP. Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Nhằm tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư vào địa phương, thời gian qua, TP. Cần Thơ đã chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành Trung ương tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông. Thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình giao thông trọng điểm như: Dự án Nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cảng Cái Cui (giai đoạn I), Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn, đường Nam sông Hậu, Quốc lộ 91B, đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, tỉnh lộ 926 và 932, đường Mậu Thân - Sân bay Trà Nóc. Đặc biệt, cầu Vàm Cống đi qua quận Thốt Nốt nối liền đường Hồ Chí Minh và bán đảo Cà Mau sắp được khánh thành và đưa vào sử dụng... Hệ thống giao thông nông thôn từng bước được xây dựng, nâng cấp đồng bộ, bảo đảm nhu cầu giao thương hàng hóa và đi lại của người dân. Dự kiến, cuối năm nay, kênh Quan Chánh Bố sẽ thông luồng, các cảng tại TP. Cần Thơ như cảng Hoàng Diệu, cảng Cái Cui có thể tiếp nhận tàu 20.000 tấn ra vào, lúc đó “nút thắt” trong xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp từ TP. Cần Thơ nói riêng và các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL sẽ được tháo gỡ.
Đối với các KCN Cần Thơ, kết cấu hạ tầng kỹ thuật gần đây đã được tăng cường đầu tư hoàn thiện, nhằm phục vụ tốt hơn cho các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tại KCN Trà Nóc, Nhà máy xử lý nước thải KCN Trà Nóc (giai đoạn I), công suất 6.000 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư là 141 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động. Tại KCN Thốt Nốt, Nhà máy xử lý nước thải KCN Thốt Nốt (giai đoạn I), công suất 2.500 m3/ngày đêm cũng đã vận hành.
Hiện nay, tại KCN Thốt Nốt, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đưa Cảng Tân Cảng - Thốt Nốt vào hoạt động với quy mô 75 m cầu cảng, tiếp nhận tàu đến 2.000 tấn, 90 m bến, tiếp nhận sà lan 1.000 tấn, bãi chứa hàng container và hàng tổng hợp 1,1 ha. Bến cảng Tân Cảng - Thốt Nốt đảm nhiệm vai trò thu gom, tập kết, thông quan hàng hóa, xếp dỡ container hàng xuất nhập khẩu, trọng tâm là ngành hàng gạo, thủy sản, thức ăn gia súc… của TP. Cần Thơ và các tỉnh lân cận như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… cung cấp dịch vụ logisitics trọn gói cho tuyến đường thủy nối liền ĐBSCL với TP.HCM và các cảng nước sâu khu vực Cái Mép - Thị Vải cũng như liên tuyến Campuchia, thông qua dịch vụ vận chuyển này giảm thiểu thời gian lưu thông hàng hóa, đảm bảo chất lượng...
Ngoài việc đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, TP. Cần Thơ cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ đối với các nhà đầu tư. Theo đó, đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp thuộc nhóm ngành nghề ưu tiên, nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn, có tổng vốn đầu tư từ 60 tỷ đồng/dự án trở lên sẽ được hỗ trợ 20% lãi suất vay vốn đầu tư. Kinh phí hỗ trợ cho một dự án lên đến 2 tỷ đồng. Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp, kinh phí hỗ trợ cho một dự án lên đến 10 tỷ đồng.
Để tạo bước chuyển biến rõ nét trong thu hút đầu tư,địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư trong khởi sự doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, vốn sản xuất. Tiếp tục nghiên cứu và tìm giải pháp ưu đãi nhiều hơn cho doanh nghiệp trong chính sách về thuế và hỗ trợ một phần chi phí đền bù đất đai tạo quỹ đất tại các khu công nghiệp; hoàn thiện thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch.