Kêu gọi xã hội hóa không có nghĩa là chính quyền phải bảo đảm lợi nhuận chắc chắn cho nhà đầu tư. Nhưng muốn kêu gọi được doanh nghiệp, trước tiên chính quyền phải làm đúng những gì đã cam kết.
Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư và khai thác các bến xe khách ở Hải Phòng đang là một vấn đề được chú ý, báo chí nhiều lần lên tiếng và cả Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm việc bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư.
Từ năm 2010, TP. Hải Phòng có chủ trương di chuyển Bến xe Tam Bạc nằm ở trung tâm Thành phố để chỉnh trang lại đô thị, góp phần giảm ùn tắc giao thông và tệ nạn xã hội trong nội thành; việc xây dựng bến xe mới thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Trước lời kêu gọi của Thành phố, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim khí Hải Phòng đã đầu tư xây dựng bến xe khách Thượng Lý. Theo các văn bản của UBND Thành phố và Sở GTVT, bến xe Thượng Lý là bến xe liên tỉnh loại 2 thay thế bến xe Tam Bạc. Thành phố sẽ đóng cửa đóng cửa bến Tam Bạc và điều chuyển các chuyến xe tuyến Hà Nội – Hải Phòng tại Tam Bạc về bến Thượng Lý. Tháng 5/2015, bến xe Thượng Lý đi vào khai thác.
Nhưng tháng 6/2015, thay vì điều chuyển các phương tiện từ Tam Bạc sang Thượng Lý như chủ trương ban đầu, Sở GTVT Hải Phòng lại có văn bản cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động tại Tam Bạc được lựa chọn giữa bến xe Niệm Nghĩa và bến Thượng Lý. Đây là điểm mấu chốt khiến Công ty Kim khí phản ứng vì đương nhiên, hàng loạt doanh nghiệp lựa chọn bến xe Niệm Nghĩa trong nội đô thay vì Thượng Lý. Hệ quả, chủ đầu tư bến xe Thượng Lý đứng trước nguy cơ phá sản vì thu không đủ chi. Nhà đầu tư gửi kiến nghị tới nhiều nơi. Tranh cãi nổ ra giữa các cơ quan chức năng Thành phố và nhà đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ nhiều lần có ý kiến, bởi vấn đề ở đây không chỉ là chuyện một doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ.
Trước hết, việc xây dựng các bến xe cần tính đến nhiều khía cạnh khác nhau, cụ thể hơn là lợi ích của các đối tượng khác nhau. Những bến xe cũ trong nội đô có lợi thế lớn thuận tiện cho hành khách, rất dễ hiểu là các hãng xe khách không muốn chuyển ra ngoại thành. Thực tế, chính chủ trương đóng cửa bến xe Tam Bạc cũng đã gây những phản ứng dữ dội từ các doanh nghiệp đang hoạt động ở đây và đó cũng là một lý do khiến Sở GTVT Hải Phòng phải gia hạn việc đóng cửa bến Tam Bạc.
Việc duy trì các bến xe trong nội đô đã gây ùn tắc giao thông và đây là lý do căn bản, thuyết phục nhất cho chủ trương di dời các bến xe khách. Việc doanh nghiệp chuyển sang đăng ký hoạt động tại Bến xe Niệm Nghĩa – vốn đã quá tải và nằm trong khu vực trung tâm Thành phố, đã gây thêm ùn tắc nghiêm trọng. Kết quả, mục đích ban đầu của việc xã hội hóa, đầu tư thêm bến xe là kéo giảm ùn tắc giao thông đã không đạt được.
Trong quá trình xây dựng các bến xe mới cũng như điều chuyển các chuyến vận tải hành khách từ bến này sang bến khác, không thể tránh khỏi những mâu thuẫn lợi ích giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải đưa ra quyết định dựa trên lợi ích tổng thể của xã hội, mà trong trường hợp này, là mục tiêu giảm ùn tắc giao thông.
Quan trọng hơn, cơ quan chức năng phải giữ đúng những cam kết của mình. Doanh nghiệp đã đưa ra quyết định đầu tư xây dựng bến xe Thượng Lý dựa trên cơ sở một chủ trương rất dứt khoát và rất rõ ràng của Thành phố là đóng cửa bến xe Tam Bạc và điều chuyển các chuyến xe về Thượng Lý. Điều này không có nghĩa là UBND Thành phố cam kết bảo đảm lợi nhuận cho chủ đầu tư bến xe Thượng Lý, nhưng đây là căn cứ, là cơ sở để doanh nghiệp cân nhắc, tính toán lợi ích và đưa ra quyết định.
Thoạt nhìn, việc cho phép các doanh nghiệp lựa chọn bến xe là cách làm minh bạch. Nhưng trong bối cảnh các bến xe cũ quá tải và gây ùn tắc, dư luận có cơ sở để đặt câu hỏi rằng cơ quan chức năng của Hải Phòng đang “ưu ái” những bến xe trong nội đô - vốn thuộc quyền khai thác của Công ty Bến xe Hải Phòng mà tiền thân là doanh nghiệp nhà nước do Sở GTVT quản lý. Điều này cũng không phù hợp với tinh thần căn bản của chủ trương xã hội hóa, đó là huy động nguồn lực của tư nhân vào những lĩnh vực mà nhà nước không cần tham gia.
Nhìn rộng hơn, câu chuyện không chỉ ở Hải Phòng. Tại một cuộc tọa đàm năm 2015, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ từng thừa nhận không ít bất cập khi thực hiện chủ trương xã hội các bến xe khách và bến xe Thượng Lý được nhắc tới như một ví dụ điển hình.
Trường hợp bến xe Thượng Lý, không dễ để các cơ quan của UBND TP Hải Phòng dung hòa được lợi ích chính đáng của tất cả các doanh nghiệp có liên quan. Nhưng rõ ràng, việc điều chuyển các chuyến xe về các bến xe cũ như Niệm Nghĩa không phải là giải pháp lâu dài khi xét tới mục tiêu giảm ùn tắc nội đô. Về lâu dài, Hải Phòng, cũng như các địa phương khác, cần công bố rõ ràng lộ trình xóa bỏ các bến xe cũ và các địa điểm quy hoạch bến xe mới để các doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó tính toán, lựa chọn phương án đầu tư. Cũng khi đó, việc đóng cửa các bến xe cũ và cho phép các doanh nghiệp vận tải lựa chọn bến xe sẽ tránh được những lời dị nghị.
Chính quyền không nên và cũng không thể bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp, nhưng phải thực hiện những gì đã cam kết. Khi những cam kết được thực hiện, nhà đầu tư dẫu có thua lỗ cũng không có lý do gì để phản ứng. “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp lo ngại nhất khi quyết định đầu tư chính là sự thay đổi chính sách kiểu “sáng nắng chiều mưa”. Thực hiện đúng những gì đã cam kết là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thiết lập môi trường kinh doanh an toàn hơn và thuận lợi hơn như quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng.
Liên quan đến bến xe Thượng Lý, trước những kiến nghị của doanh nghiệp, ngày 24/6/2015, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng) đã giao UBND TP. Hải Phòng kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh; làm rõ đúng, sai, có biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/6.
Sau đó, UBND TP Hải Phòng đã có báo cáo, nhưng Công ty Kim khí Hải Phòng tiếp tục có kiến nghị. Ngày 6/9/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao UBND TP Hải Phòng xem xét, giải quyết dứt điểm vấn đề nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, cũng như quyền lợi của nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2016.
Tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 4/10 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, cho biết ngày 29/9, TP. Hải Phòng đã có báo cáo Thủ tướng, theo đó bến xe Thượng Lý là bến xe của Thành phố nằm trong quy hoạch, việc điều chuyển các tuyến xe từ bến xe Tam Bạc nằm trong Thành phố sang bến xe Thượng Lý nằm bên ngoài là chủ trương nằm trong quy hoạch, để giãn mật độ xe trong Thành phố vì liên quan nhiều đến các xe tải, xe container ra cầu cảng. Đến nay bến xe Thượng Lý đã có 15 doanh nghiệp vận tải với mật độ xe là 406 chuyến/ngày và Thành phố tiếp tục rà soát, đặc biệt là các tuyến tour, các “nốt” xe xuất phát từ bến xe Thượng Lý đi các tỉnh. Đây là chủ trương của Thành phố.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh tinh thần là phải bảo đảm được quyền lợi của nhà đầu tư và quy hoạch giao thông vận tải của Thành phố, bảo đảm an toàn giao thông phù hợp với quy hoạch.