Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Cấp thiết tái cơ cấu nền kinh tế
Ngày: 10/23/2016 10:02:15 PM
Qua 3 năm thực hiện, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình tái cơ cấu tiến triển rất chậm, thành quả đạt được khá hạn chế, còn xa mới đạt mục tiêu và kỳ vọng.

Điều này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong việc tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới chất lượng và hiệu quả, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tổng thể nền kinh tế.
 
Tư duy lại vấn đề tái cơ cấu 
 
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tiến bộ của công nghệ, lợi thế cạnh tranh của các quốc gia có lao động giá rẻ và tài nguyên, năng lượng ngày càng giảm sút, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc mở rộng các yếu tố sản xuất đầu vào như lao động, tài nguyên, vốn đầu tư Nhà nước tại Việt Nam đã tới giới hạn… thì việc tiến hành giai đoạn tiếp theo của tiến trình tái cơ cấu kinh tế càng hết sức cần thiết.
 
Tại Dự thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra một số mục tiêu đáng chú ý như: Ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững, theo đó sẽ duy trì ổn định lạm phát và neo kỳ vọng lạm phát ở mức 5%/năm, giảm thâm hụt NSNN xuống 3,5-4% GDP, giảm nợ công xuống mức dưới 62% GDP. Bên cạnh đó, tái cơ cấu kinh tế sẽ tiếp tục tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, tập trung vào đổi mới căn bản thể chế và cách thức huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư xã hội với mục tiêu cụ thể là tiếp tục huy động hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm tổng đầu tư xã hội khoảng 30-35% GDP, tỉ trọng đầu tư Nhà nước hợp lý, khoảng 35-40%. Thị trường tài chính cũng sẽ được tái cơ cấu theo hướng tập trung vào các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại, tiếp tục cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững và cắt giảm đáng kể số NHTM yếu kém, kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%... Khu vực DNNN cũng sẽ được cải cách mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực Nhà nước và hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển…
 
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bối cảnh hội nhập của Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới về chất khi nhiều đối tác trong các Hiệp định thương mại là những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, các điều khoản cam kết của các hiệp định đều đòi hỏi về trình độ và tiêu chuẩn rất cao, điều kiện thực thi rất nghiêm ngặt, thì Việt Nam phải thay đổi căn bản thực lực của mình mới “bám” vào được các cấu trúc hội nhập này, qua đó, hưởng lợi ích hội nhập để vượt lên.
 
”Chúng ta phải ráo riết tái cơ cấu, nhưng là tái cơ cấu theo hướng hội nhập hiện đại, bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập. Chỉ có như vậy, nền kinh tế mới tránh khỏi lặp lại tình thế “hậu WTO”, để có năng lực thực thi hội nhập và thật sự dựa vào hội nhập để tiến lên”, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
 
Ông Thiên cho rằng, với sự khôn ngoan cần có của nước đi sau, khi tái cơ cấu, Việt Nam phải biết “mượn sức” hội nhập để “nhập” vào quỹ đạo hội nhập, thay đổi cơ cấu kinh tế của mình, nhanh chóng thoát khỏi đẳng cấp thấp để vượt lên. Muốn vậy, việc cần thiết là phải tư duy lại vấn đề tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, trên cơ sở đó, thiết kế, xây dựng một chương trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng mới.
 
Theo các chuyên gia, hiện nay giải quyết nợ công cũng là một trong những vấn đề cần được ưu tiên trong tái cơ cấu kinh tế. Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình đào tạo Fulbright cho biết, Việt Nam bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già từ năm 2015 với mức thu nhập xấp xỉ 2.110 USD/người, chỉ bằng 1/5 của Malaysia, nhưng mỗi người dân Việt Nam đã phải gánh hơn 1.300 USD nợ công, tương đương 62,2% thu nhập, trong khi con số này của Malaysia chưa tới 52%. Vì vậy, Việt Nam không thể tiếp tục trì hoãn cải cách hay chậm chạp trong nỗ lực kiểm soát nợ công của mình trước khi dân số chuyển sang giai đoạn già hóa nhanh hơn.
 
Để kiểm soát nợ công hiệu quả, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng Chính phủ phải nỗ lực cắt giảm bội chi ngân sách xuống mức bình quân 3% GDP mỗi năm hoặc có thể theo đuổi mục tiêu cắt giảm ngân sách theo Chiến lược quản lý nợ công kết hợp với nỗ lực cải thiện kết quả tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định vĩ mô. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt tình trạng đội vốn đầu tư trong các dự án đầu tư công nói chung, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nói riêng. Chủ đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm trong số vốn đầu tư được dự toán, nếu vượt dự toán phải tự bỏ tiền ra để tài trợ, nếu không phải chịu trách nhiệm cá nhân về hiệu quả tài chính của dự án được giao quản lý, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ bảo lãnh chính phủ, xóa bỏ tình trạng cho vay chỉ định nhằm phát huy vai trò giám sát của hệ thống tài chính. Người có thẩm quyền cấp bảo lãnh theo phân cấp phải chịu trách nhiệm đối với hiệu quả của các khoản nợ được bảo lãnh.
 
Cần Tổng kiểm kê nguồn lực Nhà nước
 
Một trong những vấn đề nhức nhối của nền kinh tế thời gian qua chính là việc xử lý nợ xấu còn nhiều hạn chế. Thừa nhận nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng chưa được giải quyết triệt để, TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết đến cuối tháng 6-2016, hệ thống TCTD báo cáo nợ xấu khoảng 3%. Tuy nhiên, đánh giá nợ xấu tiệm cận chuẩn mực quốc tế thì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD Việt Nam cao hơn nhiều so với số báo cáo.
 
“Để tái cơ cấu hệ thống các TCTD đi vào chiều sâu, hiệu quả và chất lượng hơn, tiến trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn tới cần thành lập một Hội đồng hay Ủy ban về tái cơ cấu hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu để chỉ đạo quá trình tái cơ cấu tổng thể hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020, bởi việc tái cơ cấu liên quan đến nhiều bộ, ngành và các khuôn khổ pháp lý liên quan đến nhiều lĩnh vực (bất động sản, tài sản đảm bảo...), cần ban chỉ đạo có thẩm quyền đưa ra quyết định về các chính sách và giải pháp để xử lý triệt để các vấn đề có liên quan”, TS. Trương Văn Phước đề xuất.
 
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị cần phân loại, phân nhóm các TCTD thành các nhóm dựa trên các tiêu chí cơ bản như: Nhóm có vấn đề về nợ xấu; nhóm có vấn đề về lãi dự thu; nhóm có vấn đề về tổn thất tín dụng, hoặc phân nhóm theo năng lực thực tế (hiện trạng) về vốn chủ sở hữu... nhằm có các giải pháp riêng biệt cho từng nhóm TCTD cụ thể.
 
“Nợ xấu cần được xử lý bằng nguồn lực tổng hợp của Nhà nước như nguồn lực từ các công cụ của chính sách tiền tệ, từ việc huy động vốn trong nhân dân thông qua việc phát hành một loại trái phiếu “nợ xấu” đặc biệt, hoặc có cơ chế để các TCTD tự xử lý nợ xấu thông qua cấn nợ, xiết nợ. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến trình áp dụng các chuẩn mực quốc tế đối với hệ thống tổ chức tín dụng, trong đó có Basel II nhằm giúp các ngân hàng chủ động quản lý rủi ro tốt hơn, giảm mạnh rủi ro hệ thống và tăng cường tính hiệu quả của thị trường tài chính, hướng tới xây dựng một thị trường tài chính phát triển lành mạnh, bền vững”, TS Trương Văn Phước kiến nghị.
 
Với những mục tiêu đặt ra, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đòi hỏi phải có nguồn lực thực hiện. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách Nhà nước đang khó khăn, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng nguồn lực từ việc thoái vốn, cổ phần hóa các DNNN cũng đem lại một nguồn vốn lớn để đầu tư ngược trở lại cho các lĩnh vực khác trong tiến trình tái cơ cấu như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng...  bên cạnh đó là nguồn tiền huy động từ xã hội. Tuy nhiên, huy động được rồi thì phải xử lý như thế nào để nguồn vốn này sử dụng hợp lý vào các lĩnh vực cần tái cơ cấu. 
 
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng cần thực hiện tổng kiểm kê nguồn lực Nhà nước, trước hết là tài sản Nhà nước trong nền kinh tế và định giá lại theo nguyên tắc thị trường, lập được cân đối kế toán cho từng đơn vị, tổ chức, địa phương, bộ, ngành và khu vực Nhà nước. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu danh mục vốn đầu tư và tài sản khu vực Nhà nước, trước hết là DNNN, chuyển tài sản thương mại và cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân, vốn thu được sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng và các chức năng khác của Nhà nước để vừa huy động được vốn cho tái cơ cấu, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
(Nguồn:baodautu.vn)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.