Đây là thông tin được ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết trong cuộc gặp báo chí.
Theo đó, trong 10 tháng năm 2016, TP. Hà Nội đã thu hút 445 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 2,8 tỷ USD, tương đương 58,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với năm 2015.
Các lĩnh vực được đánh giá là thế mạnh đã thu hút đầu tư gồm: Lĩnh vực công nghệ cao có Dự án Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Samsung (300 triệu USD); Lĩnh vực môi trường có Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống (227 triệu USD); trong lĩnh vực viễn thông Công ty Vietnamobile đã tăng vốn (208 triệu USD)…
Trong các dự án, TP. Hà Nội đã thu hút và triển khai 98 dự án ODA với giá trị tài trợ cam kết khoảng 4,8 tỷ USD; giá trị đã ký kết là 3,2 tỷ USD, đã giải ngân 1,05 tỷ USD, đạt 33,38% giá trị đã ký kết và 22,1% giá trị cam kết. ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi khoảng 2,9 tỷ USD, chiếm 92%. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số các dự án ODA là lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông đô thị (56%) và cấp, thoát nước, xử lý nước thải 31,8%. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 277.950 tỷ đồng, tăng 10%.
Bên cạnh sự gia tăng về giá trị vốn đầu tư đăng ký mới, các doanh nghiệp đã được cấp phép cũng có kết quả thực hiện dự án tương đối tốt. Kết quả thực hiện giải ngân vốn và chỉ tiêu hoạt động kinh doanh, đóng góp của khối doanh nghiệp FDI đều có sự tăng trưởng. Điều này cho thấy niềm tin vào thị trường và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như khẳng định thêm sự đóng góp và gắn kết của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư của Thành phố.
Ông Trần Ngọc Nam cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước (chiếm 1/5 số doanh nghiệp cả nước). Môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng và được cải thiện đã tạo điều kiện cho số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn Thành phố tăng liên tục qua các năm. Giai đoạn 5 năm 2011-2015, Hà Nội có 80.209 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chiếm 43% so với tổng số doanh nghiệp đã đăng ký trên địa bàn thành phố Hà Nội trong 24 năm qua (giai đoạn 1992-2015).
Tính riêng năm 2016, dự kiến số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn Hà Nội tăng cao với khoảng trên 22 nghìn doanh nghiệp mới, tăng 19% (vốn đăng ký khoảng trên 203 nghìn tỷ đồng, tăng 42%).
Về tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2016, ông Trần Ngọc Nam cho biết, toàn Thành phố ước tăng 8,03%, là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây.
Trong đó, giá trị gia tăng ngành Công nghiệp - Xây dựng ước tăng 8,8%. Ngành Công nghiệp ước tăng 7,1%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố ước đạt 173.846 tỷ đồng, bằng 102,6% dự toán HĐND giao, tăng 16,2%... Chỉ số PCI xếp thứ 24/63, tăng 2 bậc so với năm trước, xếp hạng cao nhất kể từ ngày công bố Chỉ số PCI.
Ngoài ra, trong năm 2017, Hà Nội sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI; trọng tâm là các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, giấy phép đầu tư…; đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế dịch vụ, công nghiệp; đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài…
Đồng thời, quyết liệt, tập trung tháo gỡ cho khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư từ các thành phần doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng cường đối thoại doanh nghiệp ở tất cả các cấp, các ngành, hiệp hội; đa dạng, linh hoạt các biện pháp để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.