Hàng tỷ USD đã được đầu tư đi và cả tỷ USD cũng đã nằm gọn trong túi các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là minh chứng cho thành công của hợp tác đầu tư Việt - Lào.
Doanh thu cả tỷ USD
Con số không quá mới, đã được Tập đoàn Viettel công bố cách đây ít lâu, đó là tính đến tháng 8/2016, Unitel - thương hiệu hãng viễn thông mà Viettel và Lao Asia Telecom liên doanh triển khai đã cán mốc doanh thu 1 tỷ USD, lũy kế sau 7 năm kinh doanh tại thị trường này, tính từ tháng 10/2009.
Thực tế, không phải tới tận bây giờ, Unitel mới trở thành một trong những điển hình thành công trong đầu tư sang Lào của doanh nghiệp Việt Nam, bởi từ lâu, Unitel đã trở thành mạng viễn thông lớn nhất tại Lào, với trên 53% thị phần. Thậm chí, Unitel còn là thương hiệu viễn thông hoạt động hiệu quả số 1 trong khu vực ASEAN theo đánh giá của Brand Finance. Giá trị thương hiệu của Unitel đã tăng lên 132 triệu USD, nằm trong Top 30 thương hiệu viễn thông giá trị nhất trong khu vực và đứng số 1 tại Lào..
Tuy nhiên, con số doanh thu 1 tỷ USD lũy kế chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực của Viettel nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong quá trình đầu tư, sản xuất - kinh doanh tại Lào. Đây là một con số không hề nhỏ so với quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam và điều này càng khẳng định, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có đủ tiềm lực để “chinh chiến” ở thị trường ngoại. Họ đã thành công và nắm trong tay doanh thu cả tỷ USD.
Nhưng không chỉ có Viettel, mà hàng loạt tên tuổi lớn của Việt Nam đã “đầu quân” sang Lào và cũng thu được hiệu quả cao. Chẳng hạn, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai từ lâu đã đầu tư hàng loạt dự án trồng cao su, cọ dầu ở Lào. Năm ngoái, tập đoàn này cũng đã đưa sân bay ở Attapeu vào hoạt động, góp phần mang về doanh thu hơn 2.300 tỷ đồng chỉ riêng tại thị trường Lào.
Bên cạnh đó, còn có thể kể hàng loạt dự án quy mô lớn khác, như Dự án Thủy điện Xecamản3 của Công ty cổ phần Điện Việt - Lào đã đi vào hoạt động; hay Dự án Thủy điện Xecamản1, Dự án Đường dây tải điện từ Xecamản về Pleiku...; rồi Dự án 522 triệu USD chế biến muối mỏ ka-li tại tỉnh Khăm-muộn, được khởi công xây dựng năm ngoái; các dự án trồng cây cao su và cây công nghiệp tại Lào, với tổng diện tích hiện đã lên tới 70.000 ha...
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, luồng vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đã liên tục tăng trong giai đoạn 2011 - 2015, cả về số lượng dự án và tổng vốn đăng ký. Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Lào 266 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 5,5 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam là 5,1 tỷ USD.
“Nhiều dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả, sản xuất - kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của hai nước, tạo công ăn việc làm và làm tốt công tác an sinh xã hội tại Lào”, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.
Con số được thống kê, đó là các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã tạo việc làm cho gần 40.000 lao động địa phương, góp phần tăng thu cho ngân sách Lào trên 250 triệu USD, hỗ trợ trên 70 triệu USD cho an sinh xã hội Lào.
Cơ hội vẫn còn rộng mở
Vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào vẫn đang tiếp tục chảy. Cơ hội càng thêm rộng mở khi hợp tác song phương Việt Nam - Lào ngày càng tốt đẹp hơn, với các chuyến thăm cấp cao song phương liên tục được thực hiện.
Ngày mai (24/11), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức tại Lào. Đây là dịp để cả hai nước tập trung củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt, gắn bó, tin cậy và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong giai đoạn phát triển mới của mỗi nước.
Dự kiến, nhiều thỏa thuận hợp tác sẽ được ký kết nhân chuyến thăm này và đây sẽ là nền tảng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, trong đó có về thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia. Động thái này được cho là sẽ tạo cú hích để vốn đầu tư từ Việt Nam tiếp tục “chảy” sang Lào.
Bên cạnh đó, nhiều thông tin cho biết, Đề án Thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào - Campuchia vẫn đang được xây dựng, nhằm đẩy mạnh hơn nữa dòng vốn đầu tư này, không chỉ là vốn đăng ký, mà còn là vốn giải ngân. Hiện tại, dù vốn đăng ký đầu tư sang Lào đã đạt khoảng 5,1 tỷ USD, nhưng thực tế mới chỉ có hơn 2,2 tỷ USD được đưa vào thực hiện. Có thêm nhiều vốn đầu tư được đưa vào thực hiện, sẽ có thêm nhiều tỷ USD nữa được... “bỏ vào túi thơm”.
“Tại Lào, các nhà đầu tư Việt Nam có thể đầu tư vào các ngành pháp luật cho phép mà họ cảm thấy đầu tư là phù hợp, có nguồn thu tốt như nông nghiệp, công nghiệp và các lĩnh vực khác phù hợp. Đặc biệt, Lào đang thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, Lào đã giải quyết những vướng mắc cơ bản cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Lào. Tuy nhiên, chúng ta phải tìm ra những khó khăn cụ thể để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Souphanh Keomixay đã chia sẻ với Báo Đầu tư như vậy.
Thông tin cho biết, hai bên đang nỗ lực cải thiện thủ tục cấp phép đầu tư, đồng thời thúc đẩy triển khai các dự án kết nối giao thông giữa hai nước, cũng như bàn các giải pháp hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư tại Lào. Một khi các giải pháp này được thực hiện hiệu quả, dòng chảy vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào sẽ còn mạnh và hiệu quả hơn nữa.