Tất cả người dân, doanh nghiệp đều có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao thay vì chỉ tập trung vào mười khu nông nghiệp công nghệ cao như quy hoạch trước đây và để khuyến kích đầu tư lĩnh vực này, Chính phủ sẽ dành ra một gói tín dụng 50.000-60.000 tỉ đồng.
Đây là thông tin được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghiệp cao Việt Nam (DAA Việt Nam) thuộc Trung ương Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam tổ chức chiều ngày 18-12 tại TPHCM.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện Chính phủ đã có quy hoạch 10 khu nông nghiệp công nghệ cao ở 10 tỉnh thành nhưng để khuyến khích nông dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Chính phủ sẽ xem xét lại và tạo điều kiện cho tất cả người dân, doanh nghiệp, các tỉnh đều có thể làm nông nghiệp công nghệ cao.
Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo lập môi trường pháp lý, chính sách đồng bộ để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao.
Tại hội nghị này, Thủ tướng cũng đồng ý cho lập khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao theo kiến nghị của DAA Việt Nam. Thủ tướng giao cho các bộ ngành, UBND các tỉnh thành giải quyết những vướng mắc nếu Việt Nam sớm có một tổ hợp nông nghiệp cao đi vào hoạt động.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch DAA Việt Nam, việc có một tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao sẽ góp phần thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, từ ngành có giá trị gia tăng và tốc độ tăng trưởng thấp sang ngành có giá trị vượt trội so với ngành nông nghiệp truyền thống và hình thành một một chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả, cạnh tranh cung cấp sản phẩm có chất lượng.
Làm sao để giúp người tiêu dùng nhận biết những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo hướng công nghiệp là an toàn tại tổ hợp nông nghiệp cao này, câu trả lời của DAA Việt Nam là sử dụng tem thông minh DAA STAMP truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thực phẩm.
DAA STAMP sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng đầu vào của chuỗi sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho đến đầu ra, vì thế, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết nguồn gốc của sản phẩm do ai trồng, chăm sóc như thế nào. Hai địa phương đầu tiên áp dụng tem thông minh DAA STAMP là TPCHM và Hà Nội.
Trong khuôn khổ hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp cao, Công ty TNHH Hùng Nhơn và Công ty De Hues (Hà Lan) đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng thung lũng thực phẩm an toàn tại Bình Phước và Đồng Nai với diện tích 500 héc ta. Giá trị đầu tư của dự án là 50 triệu đô la Mỹ.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn, đây là dự án hợp tác giữa một bên là công ty chăn nuôi là Hùng Nhơn với một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đến từ Hà Lan là De Hues để phát triển chuỗi chăn nuôi khép kín từ giai đoạn con giống đến thành phẩm nhằm cung cấp thực phẩm sạch, an toàn.
Theo đó, sản lượng mà Hùng Nhơn dự tính cung cấp cho thị trường mỗi năm là 3 triệu con gà thịt, 10 triệu con gà trứng, 1.600 heo nái và 15.000 heo thịt.
Do đây là mô hình khép kín nên ngoài chăn nuôi, Thung lũng thực phẩm an toàn còn có cả những sản phẩm trồng trọt như rau, củ, quả nhờ tận dùng nguồn chất thải thu được trong quá trình chăn nuôi. Ông Vũ Mạnh Hùng, cho biết, với mô hình khép kín và sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, công ty không chỉ cung ứng cho thị trường nội địa mà hướng đến xuất khẩu. Sản phẩm mà Hùng Nhơn muốn xuất khẩu trong tương lai là ức gà, còn đùi gà và các bộ phận khác sẽ bán cho thị trường nội địa.
Để làm được một quy trình khép kín, Hùng Nhơn còn ký kết với công ty chuyên về tư vấn quản lý thực phẩm sạch Fresh Studio Innovations Asia, còn nguồn giống từ công ty TNHH Bel Gà (Bỉ), công ty San Hà là bên phân phối sản phẩm.