Ngoài những thủ đoạn, chiêu trò tinh vi để cố tình lách, né thuế; chính sự chậm trễ trong khâu thanh, kiểm tra cũng như ban hành chính sách đang khiến nhà nước thất thu cả tỉ USD với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Sau bài viết Đút túi nghìn tỉ đồng nhưng không đóng thuế đăng trên Thanh Niên ngày 19.12, tòa soạn nhận được một loạt phản hồi, góp ý của độc giả, chuyên gia về thực trạng nhức nhối này.
Đủ chiêu trò trốn thuế
Thật đáng buồn khi hàng tỉ USD thuế của các doanh nghiệp lớn nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử lại không thu được. Chúng ta cứ thực thi chính sách thuế nắm người có tóc, không nắm được kẻ trọc đầu.
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, cho biết không chỉ các “ông lớn” trong mảng dịch vụ du lịch như Agoda, Expedia, Booking.com… trước đó, lĩnh vực quảng cáo trực tuyến Facebook, Google để lại tai tiếng khi mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp (DN) này lên đến hàng trăm triệu USD nhưng số tiền thuế nhà thầu nộp lại cho VN gần như không đáng kể.
Tiếp đó là trường hợp kinh doanh vận tải trực tuyến của Grab, Uber bùng nổ dữ dội nhưng số tiền thuế thu được cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. “Có vẻ như chúng ta đã quá chậm chân so với sự phát triển, bùng nổ dữ dội của thương mại điện tử (TMĐT). Để miếng bánh màu mỡ hàng tỉ USD mỗi năm không thu được vào ngân khố quốc gia”, ông Long xót xa.
Trong khi đó, nhiều độc giả cũng tỏ ra buồn rầu khi mỗi người dân phải gánh đủ các loại thuế, phí. Ngay cả thuế thu nhập cá nhân nhiều trường hợp nai lưng ra đóng, dù hoàn cảnh còn khó khăn, eo hẹp… “Thật đáng buồn khi hàng tỉ USD thuế của các DN lớn nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT lại không thu được. Chúng ta cứ thực thi chính sách thuế nắm người có tóc, không nắm được kẻ trọc đầu như vậy thì bao giờ ngân sách mới hết căng thẳng”, anh Tiến Điệp (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Liên quan đến trường hợp của Agoda, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đây là một trang web TMĐT, có thu thuế được hay không thì phải căn cứ xem “ông chủ” của trang web này nằm ở đâu. Trong trường hợp nằm ở nước ngoài nhưng có cung cấp dịch vụ vào VN, lấy tiền thông qua việc cung cấp dịch vụ, hàng hóa, cơ quan thuế có trách nhiệm khấu trừ thuế nhà thầu. Còn với một loạt các website khác Booking.com, Hotels.com, Expedia.com… chúng tôi cũng đặt câu hỏi lên lãnh đạo Tổng cục Thuế thu như thế nào. Tuy nhiên, thông tin từ phía cơ quan này hôm qua cho biết hiện vấn đề quản lý thuế đối với các đối tượng trên đang trình và chờ Bộ Tài chính cho ý kiến?!
Một Phó trưởng ban thường trực Ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho biết hiện nay với bản chất không có trụ sở giao dịch, không thực hiện giao dịch trên giấy và một số hàng hóa thực hiện trao đổi trong giao dịch là các hàng hóa vô hình (như các sản phẩm số), nên các giao dịch trong TMĐT là rất khó kiểm soát. Vì vậy, các hành vi trốn thuế xảy ra thường xuyên và phổ biến hơn.
“Thứ nhất, các DN không đăng ký kinh doanh/đăng ký nộp thuế, dễ dàng phớt lờ cơ quan thuế. Tình trạng này cũng phổ biến với các cá nhân kinh doanh, bán hàng qua mạng. Thứ hai, một dạng phổ biến hơn, không kê khai hoặc kê khai thấp giá trị giao dịch/thu nhập để trốn thuế. Đây là hành vi trốn thuế khó kiểm soát nhất trong kinh doanh TMĐT. Riêng với hình thức bán hàng trực tuyến, do thực hiện qua mạng nên ít bằng chứng để đối chiếu nên người bán thường kê khai với giá trị thấp để trốn thuế GTGT và thuế thu nhập DN. Đối với loại hình quảng cáo trực tuyến bằng công cụ của Google, Yahoo!... DN không kê khai đủ doanh thu hoặc kê khai doanh thu sai thuế suất thuế GTGT, không kê khai thuế nhà thầu đối với số tiền dịch vụ của các công ty đa quốc gia phát sinh dịch vụ tại VN”, vị Phó trưởng ban phân tích.
Chính sách không theo kịp
Tuy nhiên, sở dĩ các DN TMĐT “có đất dụng võ” và có thể tự tung tự tác chính bởi sự chậm chân của cơ quan quản lý trong cả thanh, kiểm tra đến việc xây dựng cơ chế hành lang pháp lý. Trong suốt thời gian qua, số lượng các cuộc thanh kiểm tra đối với DN lĩnh vực này tỏ ra khá hạn chế. Đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ có vài DN bị truy thu với số tiền chưa đến trăm tỉ đồng. Trong khi đó, hành lang pháp lý để điều chỉnh và quản lý thuế lại khá thiếu. Đơn cử như trường hợp của Agoda, một luật sư lâu năm tại Hà Nội cho rằng Agoda chưa có chi nhánh tại VN, chỉ có đại diện của Trung tâm hỗ trợ Agoda VN có trụ sở ở Tôn Đức Thắng (Q.Đống Đa, Hà Nội) và Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM). “Với việc chưa mở văn phòng đại diện, chỉ có một vài cơ sở hỗ trợ như vậy luật không có quy định nào điều chỉnh nên khó thu được thuế cũng là dễ hiểu”, vị này nói.
Hay như trường hợp của Uber, sự lúng túng của Bộ Tài chính là điều thấy rõ. DN này vào VN kinh doanh rầm rộ từ năm 2014 nhưng đến năm 2016 cơ quan quản lý vẫn chưa xác định được Uber hoạt động theo hình thức nào, là ứng dụng phần mềm trực tuyến hay kinh doanh vận tải trên mạng để đánh thuế. Còn rất nhiều trường hợp khác mà các “ông lớn” nước ngoài vào VN không mở văn phòng, công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, nhưng phía các cơ quan quản lý trong nước dường như bất lực.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nhận xét hiện nay có nhiều DN hoạt động TMĐT có doanh thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm nhưng nộp cho ngân sách không đáng kể. Đa số, các DN tự khai báo doanh thu, tự tính toán cân đối số tiền nộp thuế và tự nộp cho nhà nước. Thực tế cho thấy doanh thu và số thuế thu được có sự chênh lệch lớn. Điều này gây thất thu cho ngân sách và khiến mất công bằng trong quản lý thuế.
Theo kết quả khảo sát của Cục TMĐT và công nghệ thông tin (Bộ Công thương), giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến trong năm 2015 ước đạt 160 USD, doanh số TMĐT riêng B2C (giao dịch giữa DN và khách hàng) đạt khoảng 4,07 tỉ USD, tăng 37% so với năm trước đó. Con số khổng lồ đó đang thách thức các cơ quan quản lý: Làm thế nào để xác định đúng doanh thu cũng như lợi nhuận của DN? Làm thế nào để giành quyền đánh thuế đối với các giao dịch về dịch vụ và tài sản vô hình xuyên biên giới phát sinh trong nền kinh tế số… Nếu còn chậm chân, loay hoay như thời gian qua, chắc chắn con số hàng tỉ USD thất thoát ngân sách sẽ không dừng lại ở đó.
Cần sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng
Bà Nguyễn Thị Cúc nhận xét: Để xác định được doanh thu đầy đủ phải có sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý chức năng liên quan mới có thể xác định luồng tiền thanh toán; truy tìm dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch... làm cơ sở truy thu thuế đối với các doanh thu không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ trong giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ trên hệ thống máy tính.