Kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia còn chậm
Ngày: 1/11/2017 2:09:07 PM
Tính đến hết tháng 12/2016, có 10/14 bộ chuyên ngành đã kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 36 thủ tục (gần 13%) được đưa vào thực hiện. Nếu so với mục tiêu 280 thủ tục thì rõ ràng, việc triển khai của các bộ chuyên ngành là khá chậm trễ.
Tại hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ ngành hải quan năm 2017, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, trong quá trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã chủ trì làm việc với các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Giao thông vận tải, Công Thương về việc triển khai các thủ tục hành chính (TTHC) mới, gia tăng số lượng TTHC thực hiện qua NSW để đáp ứng mục tiêu và tiến độ nêu tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh.
Ngành hải quan đã đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để áp dụng cho các TTHC tại cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi; phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành thiết kế kỹ thuật để triển khai hệ thống CNTT kết nối với Cổng Thông tin NSW trên cơ sở các quy trình lựa chọn thí điểm.
Tính đến hết tháng 12/2016, có 10/14 bộ chuyên ngành đã kết nối với NSW. Tuy nhiên, số thủ tục được xử lý còn thấp, chỉ đạt 36 thủ tục trong khi nhiệm vụ cho 5 năm 2016-2020 là 280 thủ tục hành chính phải thực hiện theo cơ chế này.
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải dẫn đầu với 11 thủ tục; tiếp đến là Bộ NN&PTNT (9 thủ tục); Bộ Y tế (5 thủ tục); Bộ Công Thương (4 thủ tục); Bộ TN&MT (4 thủ tục); Bộ KH&CN, Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT mỗi bộ 1 thủ tục.
Theo Tổng cục Hải quan, với con số 280 thủ tục, trung bình mỗi năm phải đưa được 56 thủ tục vào thực hiện theo NSW. Việc để chậm đưa các thủ tục hành chính vào NSW, liên thông xử lý hồ sơ được cho là xuất phát từ các thủ tục ở các cơ quan bộ, ngành còn rườm rà. Bản thân một số bộ, ngành vẫn chưa thực sự quyết liệt, tiến độ ứng dụng CNTT của các bộ, ngành thường chậm hơn so với yêu cầu.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, thời gian chuẩn bị hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp tại Việt Nam từ năm 2015 đến 2016 đã giảm 30 giờ (từ 106 giờ xuống còn 76 giờ). Nếu chi phí bình quân để chuẩn bị hồ sơ (nhập khẩu và xuất khẩu) tại Việt Nam vào khoảng 2,5 USD/giờ, mỗi lô hàng (cả nhập khẩu và xuất khẩu) rút ngắn 30 giờ sẽ tiết kiệm được 75 USD chi phí. Tính trên khoảng 8 triệu lô hàng cả xuất khẩu và nhập khẩu tính đến tháng 10/2016, chỉ riêng chi phí chuẩn bị hồ sơ ước có thể tiết kiệm được khoảng 600 triệu USD.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết ngành hải quan tiếp tục nâng cấp hệ thống thông quan điện tử, hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu giá tính thuế, quản lý cơ sở dữ liệu danh mục biểu thuế và phân loại mức thuế, hệ thống thông tin quản lý rủi ro để kết nối/chuyển đổi dữ liệu với hệ thống VNACCS/VCIS; kết nối trao đổi thông tin với 9 doanh nghiệp kinh doanh cảng; triển khai thanh toán điện tử e-payment trên cơ sở kết nối hệ thống CNTT của hải quan với các ngân hàng thương mại, ký thỏa thuận hợp tác thu thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử với 5 ngân hàng, nâng tổng số lên 33 ngân hàng, với số thu ngân sách Nhà nước bằng phương thức điện tử, chiếm 88% tổng số thu ngân sách của hải quan.
(Nguồn:chinhphu.vn)