Thông tin không rõ ràng, chính sách thay đổi hay những quy định về giới hạn lao động nước ngoài làm việc tại công ty đang là những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư tại nước ngoài, đặc biệt là tại Lào, Campuchia, nơi chiếm phần lớn vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.
Theo thông tin tại Hội thảo “Đầu tư nông nghiệp của Việt Nam tại Campuchia và Lào: Lợi ích, Tác động và Thách thức” diễn ra ngày 17-2-2017, tính đến nay, có gần 1.200 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 21,4 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, thị trường tiếp nhận chủ yếu là Lào (hơn 5 tỉ đô la Mỹ); Campuchia (gần 3 tỉ đô la Mỹ) và một số quốc gia khác như Nga, châu Phi…
Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là nông- lâm nghiệp, viễn thông, khai khoáng, dịch vụ khám chữa bệnh… Đây là những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam có thể hợp tác với Lào, Campuchia....
Trong các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông- lâm nghiệp tại Lào và Campuchia, chủ yếu là các dự án đầu tư trồng cao su. Hiện Việt Nam có 72 dự án đầu tư trồng cao su, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,2 tỉ đô la Mỹ. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) hiện đầu tư 23 dự án trồng cao su tại Lào, Campuchia; Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai có bốn dự án trồng cao su.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), lượng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đã khẳng định được sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn khi đầu tư ra nước ngoài, cụ thể là Lào và Campuchia.
Theo đó, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư của Lào, Campuchia đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện nên có nhiều thay đổi, chưa thống nhất và khó tiếp cận.
Thời gian vừa qua, Chính phủ Campuchia có sự thay đổi đột ngột về chính sách đất tô nhượng như dừng cấp đất để thực hiện các dự án đầu tư nông- lâm nghiệp hoặc thay đổi thời hạn giao đất từ 70 năm, 90 năm xuống còn 50 năm đối với tất cả các dự án, kể cả dự án đã giao đất, cấp phép đầu tư trước đây; áp dụng hồi tố về thời hạn giao đất, cho thuê đất…Đây là những thay đổi đang gây khó khăn cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Một số dự án cao su cũng gặp nhiều khó khăn do quỹ đất phía chính quyền Campuchia chưa cấp đủ cho nhà đầu tư Việt Nam như thỏa thuận. Ví dụ, công ty Đường Biên Hòa đã được Campuchia cấp giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phía bạn không bố trí được đủ nguồn đất cho doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp đã bỏ vốn để thực hiện dự án.
Ngoài ra, khó khăn còn ở chỗ lực lượng lao động của Campuchia tại vùng dự án thiếu về số lượng và yếu về chất lượng trong khi theo quy định của Campuchia, nhà đầu tư Việt Nam chỉ được sử dụng 10% lao động Việt Nam để triển khai thực hiện dự án. Điều này đang gây khó cho một số dự án, như dự án trồng 6.310 héc ta cao su của Công ty cổ phần Cao su Dầu Tiếng- Kratie, dự án trồng cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Đăk Lăk, dự án trồng và khai thác cao su của Công ty TNHH Bất động sản Phú An.
Ông Phạm Quang Tú, thuộc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, cho hay: thời điểm 2007-2008, khi giá cao su tăng cao, có làn sóng đầu tư của Việt Nam sang Lào và Campuchia (để xin cấp đất trồng cao su). Tại hầu như tất cả các địa bàn mà Oxfam đến khảo sát đều xảy ra việc tranh chấp, xung đột về đất đai giữa công ty và người dân sở tại. Thời điểm đó, các công ty thường thu hồi đất ngay sau khi có giấy phép và giải phóng mặt bằng trong khi bản đồ về đất thì mỗi nơi mỗi khác. Điều này dẫn tới xung đột gia tăng giữa các bên và gây khó cho quá trình sản xuất của công ty cũng như ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Từ những bất cập đó, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT kiến nghị hai phía cần tăng cường hợp tác chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế chính sách, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, ổn định.
Đồng thời, đề nghị phía Campuchia khi xây dựng chính sách mới không được hồi tố đối với các dự án đã cấp cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư, phía Campuchia dễ bị các nhà đầu tư kiện ra tòa quốc tế.
Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa qua biên giới, bảo quản nông sản, kiểm định chất lượng và xem xét việc miễn visa cho lao động nước ngoài sang làm việc cho các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia.