Năm 2017 tiếp diễn những vấn đề của kinh tế thế giới năm 2016, đồng thời xuất hiện một số vấn đề mới đang được cả thế giới quan tâm, trong đó nổi lên là chủ nghĩa dân tộc gắn với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Báo Đầu tư xin gửi tới độc giả bài viết của GS-TSKH Nguyễn Mại phân tích sâu về vấn đề này.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), yêu cầu Canada và Mexico thảo luận lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), áp đặt các biện pháp đơn phương để bảo hộ mậu dịch với từng nước, đòi hỏi doanh nghiệp Mỹ chuyển nhà máy về nước để tạo việc làm trong nước. Đằng sau những quyết định đó là sự trỗi dậy của xu hướng chủ nghĩa dân tộc Mỹ.
Những sắc lệnh đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc nước Anh khởi động đàm phán rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), diễn biến trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp và một số nước châu Âu với sự nổi lên của cánh hữu báo hiệu chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, kéo theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, tác động tiêu cực đến quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới.
Nhà phân tích G. Rachman viết trên tờ Financial Times (Anh) số đầu năm 2017: "Khả năng xung khắc giữa chủ nghĩa dân tộc Mỹ và Trung Quốc tại vùng Thái Bình Dương có vẻ tăng lên kể từ khi ông Donald Trump thắng cử". G. Rachman cho rằng, trước khi Donald Trump nêu ra khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại lần nữa” (Make America Great Again), thì ông Tập Cận Bình đề ra mục tiêu “Phục hưng dân tộc Trung Hoa”, ông V. Putin muốn Nga phục hồi vị thế cường quốc như thời Liên Xô.
Quan hệ Mỹ - Trung có xu hướng căng thẳng hơn
Đối với Trung Quốc, từ đầu thế kỷ XXI, quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã diễn ra theo nhiều kịch bản, trở thành mối quan hệ có tác động lớn đến cục diện chính trị và kinh tế thế giới.
Khi vừa nhậm chức năm 2001, Tổng thống George W. Bush coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược", đã áp dụng chính sách "kiềm chế", "cân bằng" đối với Trung Quốc, cáo buộc Trung Quốc tạo ra căng thẳng ở châu Á. Vụ khủng bố quốc tế ngày 11/9/2001 ở Mỹ tạo ra bước ngoặt trong quan hệ giữa 2 nước do Trung Quốc ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.
Từ năm 2009, trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống B. Obama đã duy trì mối quan hệ tương đối thân thiện với Trung Quốc. Tháng 11/2009, ông cùng Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tổ chức Đối thoại kinh tế và chiến lược nhằm mở rộng hợp tác kinh tế giữa 2 nước, được khởi xướng vào năm 2006, dưới thời G. W. Bush.
Từ năm 2012, B. Obama thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á, tập trung sự chú ý của Mỹ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố chủ trương tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Kể từ khi EU được thành lập, ông Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên không ủng hộ việc EU hội nhập sâu hơn.
Không những thế, ông còn chống lại quá trình này.
Để thiết lập vị thế chủ đạo về kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, B. Obama khuyến khích việc hình thành TPP, trong khi ông Tập Cận Bình thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và thực hiện kế hoạch "một vành đai, một con đường".
Những năm cuối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống B. Obama, sự ngờ vực lẫn nhau giữa hai cường quốc đã gia tăng, đối đầu giữa hai nước có xu hướng leo thang, mặc dù hai bên đã hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu.
Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, năm 2015 chiếm 14% thị trường thế giới, vượt Mỹ (9%), Đức (8%), Nhật Bản (3,8%). Với nhập siêu vào Mỹ 261 tỷ USD, Trung Quốc chiếm 70% nhập siêu của Mỹ năm 2015, làm mất đi nhiều triệu việc làm tại nước này.
Quan hệ thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc đã được nhiều đời tổng thống Mỹ, từ Bill Clinton, G. Bush, B. Obama quan tâm và gây sức ép với Trung Quốc, nhưng chưa có tổng thống nào tuyên bố cứng rắn và đe dọa áp dụng các biện pháp mạnh mẽ như đánh thuế cao vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như Donald Trump.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã gọi Trung Quốc là "bên thao túng tỷ giá hối đoái", "cưỡng bức Mỹ", trợ cấp hàng hóa, ăn cắp công nghệ, dọa áp đặt thuế 45% với hàng Trung Quốc và tuyên bố sẽ cứng rắn với Trung Quốc để làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ông cũng chỉ trích Trung Quốc chưa làm đủ để ngăn chặn CHDCND Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân. Ông đã nhận cuộc điện thoại chúc mừng của lãnh đạo Đài Loan, cho thấy ông sẽ làm ấm lên quan hệ với Đài Loan, mặc dù trong cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó, ông tuyên bố tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”.
Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Donald Trump sẽ có xu hướng căng thẳng hơn và cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia có tiềm lực kinh tế đứng đầu thế giới có thể xảy ra với mức độ khó lường.
Quan hệ Mỹ - EU trước những thách thức mới
Đối với EU, việc Tổng thống Donald Trump công khai ủng hộ nước Anh rời khỏi EU, dự đoán về sự tan rã
của EU, đánh giá Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đã lỗi thời (!) được tờ The New York Time nhận định: “Các nhà lãnh đạo EU đang phải vật lộn để ‘giải mã’ Tổng thống Mỹ D. Trump, người dường như mỗi ngày lại chọn một ‘cuộc chiến’ mới với một quốc gia mới, dù là đồng minh hay không”.
Gần đây, khi triệu tập khẩn cấp hội nghị thượng đỉnh EU tại Malta, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã viết thư gửi các nhà lãnh đạo các nước EU (trừ Anh), trong đó nhấn mạnh: “Sự thay đổi ở Washington đặt EU trong một tình huống khó khăn. Chính quyền mới của Mỹ đang thách thức chính sách đối ngoại của họ trong suốt 70 năm qua”.
Giám đốc đối ngoại của Hội đồng châu Âu Mark Leonard nhận định: “Kể từ khi EU được thành lập, ông Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên không ủng hộ việc EU hội nhập sâu hơn. Không những thế, ông còn chống lại quá trình này và coi sự phá hủy của EU là lợi ích của Mỹ”.
Trước tình thế đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, châu Âu cần phải thể hiện sự thống nhất trước Washington, cảnh báo các nước ở châu Âu không nên bị cám dỗ để cuốn vào quan hệ song phương với Nhà Trắng. Đồng quan điểm với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, các quốc gia cần đứng trên đôi chân của mình trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Đối với những nước đồng minh quan trọng ở châu Âu như Đức, Pháp, Anh thì quan hệ với Mỹ dưới thời Donald Trump đứng trước những thách thức mới. Chẳng hạn với Đức, Hãng tin CNBC cho rằng, mức thặng dư thương mại cao chưa từng có của Đức (năm 2016 đạt gần 253 tỷ euro, tương đương gần 270 tỷ USD) có thể làm gia tăng căng thẳng giữa nước này với Mỹ, trong khi Đức - nước giữ cương vị Chủ tịch Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20) năm 2017 - được dự báo sẽ nỗ lực bảo vệ tự do thương mại với phương châm là “định hình một thế giới kết nối” (Shaping an Interconnected World).
Cần chủ động ứng phó với khả năng Mỹ tăng cường bảo hộ mậu dịch
Khi chủ nghĩa dân tộc đang được người đứng đầu cường quốc số 1 thế giới theo đuổi bất chấp sự phản đối của nhiều nhà chính trị, nhà khoa học, tập đoàn kinh tế lớn và hàng triệu người Mỹ, cũng như ở một số quốc gia vốn là đồng minh của Mỹ, xu hướng đó có thể lan rộng ra một số khu vực trên thế giới, kéo theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch với những biện pháp đối lập với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Việc này đặt ra một số vấn đề mới đối với nước ta trong quá trình theo đuổi tự do thương mại và đầu tư, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới.
Sát sườn đối với Việt Nam là quan hệ kinh tế, nhất là quan hệ thương mại với Mỹ. Mặc dù đến nay chưa có động thái từ phía Mỹ tác động trực tiếp đến quan hệ thương mại giữa hai nước, nhưng cần lưu ý rằng, Tổng thống Donald Trump đã từng tuyên bố sẽ đánh thuế 20% hàng hóa qua biên giới với Mỹ. Nếu điều đó trở thành chính sách thuế quan của Mỹ thì sẽ tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta vào thị trường nước này, hiện chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo ra giá trị xuất siêu đủ bù đắp nhập siêu từ Trung Quốc.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ tháng 1/2017 đạt 3 tỷ USD, thấp hơn 600 triệu USD so với tháng 12/2016 và giảm 10 triệu USD so với tháng 1/2016.
Chưa thể đưa ra kết luận vội vàng về nguyên nhân của tình trạng đó, nhưng cũng có thể là tín hiệu của một năm khó khăn trong quan hệ thương mại của Việt Nam với Mỹ, khi các chính sách mới của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ thương mại với Mỹ cần chuẩn bị như thế nào cho tình huống đó? Chính phủ, các bộ, nhất là Bộ Công thương cần theo dõi tình hình, dự báo kịp thời và chuẩn bị các giải pháp ứng phó để chủ động với các tình huống, nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích dân tộc, đồng thời thích ứng với xu hướng mới của thế giới.
Với việc Mỹ rút khỏi TPP trong khi nhiều nước khác, trong đó, Nhật Bản và Australia vẫn theo đuổi hiệp định này và sẽ tổ chức cuộc gặp giữa đại diện 11 nước còn tham gia, thì Việt Nam cần chủ động đưa ra sáng kiến về việc tiếp tục thực hiện TPP không có Mỹ, chuẩn bị tốt cho việc khởi động quá trình đàm phán để hoàn chỉnh Hiệp định, với kỳ vọng TPP sẽ mang lại lợi ích cho các bên tham gia, đồng thời bảo đảm lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta.
Trong khi đó, trong tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP, ông Donald Trump để ngỏ khả năng thành lập các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với từng nước. Đó là tín hiệu mới cần được nghiên cứu trong điều kiện quan hệ thương mại Việt - Mỹ đang gia tăng nhanh chóng kể từ khi có hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào đầu thế kỷ XXI. Quan hệ chính trị, ngoại giao đang nồng ấm, thì việc chủ động đề ra sáng kiến khởi động quá trình đàm phán để hình thành FTA Việt - Mỹ là khả năng có thể trở thành hiện thực, thay thế cho BTA đang có hiệu lực, nhằm tận dụng thị trường lớn của Mỹ để gia tăng thương mại hai chiều, đồng thời tăng cường đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ vào Việt Nam.