Những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc mới đây với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá rất cao, góp phần cởi nút thắt trong thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách vào các dự án hạ tầng giao thông lớn, đặc biệt là đường cao tốc Bắc – Nam.
Thẳng thắn và rất trực diện, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, do thể chế còn vướng mắc nên chúng ta chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tâm huyết. Cần phải nói thêm rằng, hệ thống đường bộ cao tốc luôn là khát vọng của bất cứ quốc gia nào muốn phát triển, muốn công nghiệp hóa - hiện đại hóa bởi tính chất ưu việt trong lưu thông và mở rộng giao thương, liên kết các vùng miền.
Số lượng đường cao tốc của Việt Nam hiện còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Việt Nam cũng chưa thông mạch được tuyến cao tốc Bắc - Nam xuyên quốc gia.
Việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại không thể cứ trông chờ vào ngân sách, mà phải dựa vào dân, vào nguồn lực xã hội.
Đây là bất lợi cho các phương tiện lưu thông và hoạt động giao thương phát triển kinh tế đất nước, trong khi thực tế chứng minh rằng, nơi nào có cao tốc đi qua, nơi đó kinh tế - xã hội có điều kiện tốt hơn để cất cánh.
Hệ thống đường cao tốc của Việt Nam chưa phát triển mạnh còn bởi nguồn lực đầu tư hiện hạn chế. Nếu chỉ trông vào ngân sách, việc hoàn thành các mục tiêu được đề ra trong Chiến lược Phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi nhu cầu vốn đầu tư trong 5 năm 2016-2020 là gần 1 triệu tỷ đồng, nhưng mới đáp ứng được khoảng 210.000 tỷ đồng.
Chính vì vậy, chỉ đạo của Chính phủ đối với Bộ GTVT là phải tìm mọi biện pháp, không vì khó khăn về kinh phí mà để giao thông tiếp tục là nút thắt cũng là quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ và là mong ước của đông đảo nhân dân.
Trên thực tế, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại không thể trông chờ vào ngân sách, mà phải dựa vào dân, vào nguồn lực xã hội. Vì vậy, cần đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực ở mọi khâu, bằng mọi cách. Nhà nước chỉ có thể cung cấp vốn mồi, hỗ trợ, tạo cơ chế, thể chế, điều kiện để xã hội hóa kết cấu hạ tầng GTVT thành công.
Như vậy, thời gian tới, chắc chắc sẽ có thêm nhiều kênh huy động nguồn lực bên cạnh dự án triển khai bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc từ vốn vay của doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân trong và ngoài nước. Nguồn lực này còn rất dồi dào, vấn đề là làm sao có cơ chế tốt, hợp lý để huy động. Cũng trong thời gian tới, Bộ GTVT - với tư cách là cơ quan chủ trì sẽ phải chủ động đề xuất cơ chế, tìm nguồn và hướng xử lý. Cơ quan này còn phải chủ động xây dựng, trình Chính phủ một số cơ chế đặc thù trong phát triển đường cao tốc, đẩy mạnh hợp tác theo hình thức công – tư (PPP) cùng một số công việc liên quan. Bên cạnh đó, với nguồn tiền đóng vai trò là vốn mồi từ Nhà nước, các cơ quan chức năng sẽ phải sắp xếp thứ tự ưu tiên để tăng hiệu quả sử dụng vốn; các cấp, các ngành, địa phương phải tìm nguồn vốn bổ sung, kể cả hình thức như cổ phần hóa, chuyển nhượng hạ tầng.
Thực tế cho thấy, việc xã hội hóa, dựa vào nguồn lực từ người dân để phát triển chính là lối ra khi nguồn vốn Nhà nước bố trí cho phát triển GTVT mới đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu.
Chỉ đạo của Thủ tướng sẽ mở ra một chân trời mới trong lĩnh vực này, đòng thời nâng tính khả thi cho mục tiêu hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Nam dài hơn 1.600 km trong 5 - 10 năm tới. Điều đó không chỉ hiện thực hóa ước mơ cao tốc của người dân, mà còn là kiến tạo thiết thực nhất hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội góp sức đưa Việt Nam vững bước trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.