Từ diễn biến trong 2 tháng đầu năm, có thể cảnh báo về khả năng tăng trưởng GDP do nhóm ngành nông, lâm- thủy sản năm 2017 sẽ tiếp tục tăng thấp, thậm chí còn có thể bị giảm.
Giá cả lương thực đã giảm trong nhiều năm; giá thực phẩm năm nay ổn định, có loại còn giảm ngay trong dịp Tết. Đó là niềm vui của người tiêu dùng nói chung, bởi lương thực, thực phẩm là những mặt hàng thiết yếu nhất đối với người tiêu dùng hàng ngày, nhất là những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, đối với người sản xuất nông nghiệp, thì đó là tin không vui trong 2 tháng đầu của năm 2017, nhất là khi diễn biến này đã kéo dài trong 5 năm trước đó.
Giá lương thực từ năm 2012 đến nay có một số điểm đáng lưu ý. Tháng 12/2016 so với tháng 12/2011 (tức là sau 5 năm), giá lương thực vẫn còn bị giảm 1,69% (hay bình quân 1 năm giảm 0,34%). “Cánh kéo giá cả” giữa lương thực với giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng còn lại đã có độ doãng lớn và kéo dài, khi trong thời gian tương ứng, giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng còn lại tăng 22,7% (hay tăng 4,18%/năm).
Khả năng tăng trưởng GDP do nhóm ngành nông, lâm - thủy sản năm 2017 sẽ tiếp tục tăng thấp, thậm chí còn có thể bị giảm.
Ngoài ra, trong 2 tháng năm 2017, diễn biến giá lương thực và giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng còn lại vẫn tiếp tục theo xu hướng của 5 năm trước đó. Điều đáng quan tâm là, giá thực phẩm (chiếm 22,6% tổng tiêu dùng) trong 5 năm trước đó cũng chỉ tăng 15,42% (hay tăng 2,91%/năm) và từ mấy tháng nay, ngay cả tháng có Tết Nguyên đán, lại bị giảm, nhất là thịt lợn, thịt gà, rau hoa quả... Đó là chưa nói, giá lương thực, thực phẩm nói ở trên là giá bán cho người tiêu dùng, đã bị “luộc” qua người vận chuyển, người bán trung gian, nên người sản xuất còn bị thiệt thòi hơn nữa.
Đó là tiêu thụ trong nước, xuất khẩu nông, lâm - thủy sản cũng còn nhiều vấn đề. Lượng gạo xuất khẩu năm 2016 giảm tới trên 1,74 triệu tấn, làm cho kim ngạch giảm tới 627 triệu tấn. Năm 2016, giá xuất khẩu nhiều loại nông, lâm - thủy sản bình quân bị giảm so với năm trước, như thủy sản giảm 3,6%, hàng rau quả giảm 6%, cà phê giảm 11,6%, hạt tiêu giảm 16,1%, cao su giảm 1,0%, sắn và sản phẩm sắn giảm 16,4%, chè giảm 2,9%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 2,3%... Tính chung, giá xuất khẩu nông, lâm - thủy sản giảm 3,8%.
Bước sang năm 2017, xuất khẩu nông, lâm - thủy sản khá trầm lắng, nhiều mặt hàng quan trọng bị giảm.
Cùng với vốn đầu tư vào nông, lâm nghiệp - thủy sản từ các nguồn tiếp tục với tỷ trọng thấp xa so với tỷ trọng trong GDP, thì yếu tố thời tiết và tiêu thụ sản phẩm đang là điểm nghẽn lớn đối với tăng trưởng của nhóm ngành này. Từ diễn biến trên trong 2 tháng đầu năm, có thể cảnh báo về khả năng tăng trưởng GDP do nhóm ngành nông, lâm - thủy sản năm 2017 sẽ tiếp tục tăng thấp, thậm chí còn có thể bị giảm.
Cảnh báo trên đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, không chỉ là vấn đề tăng trưởng, mà còn sâu xa hơn là chính sách hạn điền, là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong đó có vấn đề giảm diện tích lúa để trồng các loại cây chịu được hạn, mặn, có thị trường tiêu thụ hoặc giảm nhập khẩu một số loại nông sản (ngô, đậu tương, cây cho sản phẩm làm thức ăn gia súc...).