Theo quy hoạch, Ninh Thuận sẽ trở thành “điểm đến của Việt Nam trong tương lai”, kinh tế phát triển nhanh, bền vững theo mô hình kinh tế “xanh”. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh (1/4/1992 – 1/4/2017), ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ về mục tiêu phát triển này.
Vượt qua những khó khăn, thách thức, tỉnh Ninh Thuận đang ngày càng phát triển và hội nhập mạnh mẽ. Ông có thể cho biết mức tăng trưởng của tỉnh Ninh Thuận hiện nay so với cách đây 25 năm? Đâu là những thành tựu vượt bậc của tỉnh nhà trong thời gian qua?
Được tái lập từ ngày 1/4/1992, trải qua 25 năm phát triển, Ninh Thuận đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó, khẳng định và nâng cao vị thế so với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1992 - 2016 ước đạt 8,7%/năm, trong đó ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,4%/năm; ngành công nghiệp – xây dựng tăng 12,5%/năm và ngành dịch vụ tăng 10,1%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2016 đạt 30,3 triệu đồng/người, tăng 22,1 lần so với năm 1992.
Với chủ trương tập trung thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách làm động lực cho phát triển, đồng thời, việc chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được triển khai mạnh mẽ, những năm qua, khu vực ngoài nhà nước hoạt động ngày càng hiệu quả. Tính đến năm 2016, tỷ trọng khu vực vốn nhà nước giảm từ 20,7% xuống còn 12,4% và khu vực vốn ngoài nhà nước tăng từ 79% lên 83,9%.
Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế Ninh Thuận đã làm thay đổi bộ mặt của tỉnh như thế nào so với thời kỳ mới tái lập tỉnh, thưa ông?
Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp và thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thông qua phát triển những cây trồng có năng suất, chất lượng cao, trở thành đặc sản của địa phương và hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày phục vụ chế biến.
Diện tích gieo trồng tăng bình quân 2,2%/năm, trong đó năng suất cây lương thực tăng 2,2%, năng suất lúa tăng từ 37,3 tạ/ha năm 1992 lên 60 tạ/ha năm 2016, thu nhập trên mỗi héc ta đất canh tác tăng từ 57 triệu đồng (năm 2010) lên 105 triệu đồng (năm 2016). An ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng lương thực có hạt không ngừng tăng qua các năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân toàn ngành giai đoạn 1992 - 2016 đạt 7,1%/năm.
Đâu là bước đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh nhà?
Đột phá thể hiện ở việc cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành thủy sản, chăn nuôi và giảm tỷ trọng ngành trồng trọt.
Chăn nuôi đã thực sự trở thành mũi nhọn, đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phương thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp dần thay thế phương thức chăn nuôi truyền thống. Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, đang từng bước khẳng định là ngành sản xuất chính, đem lại giá trị thu nhập cao cho nông dân trong tỉnh. Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; nhiều giống gia súc, gia cầm chất lượng tốt được đưa vào sản xuất.
Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, giá trị sản xuất toàn ngành giai đoạn 1992 - 2016 tăng 10,6%/năm. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất giống thủy sản có chất lượng cao của cả nước thực hiện có kết quả, đạt được mục tiêu và phát huy được lợi thế, quy mô sản xuất giống tiếp tục được mở rộng, sản xuất tôm giống tăng từ 100 triệu con lên 21.954 triệu con và trở thành một trong những vùng sản xuất tôm giống lớn của cả nước.
Hình thức và đối tượng nuôi trồng ngày càng được cải tiến và đa hạng hóa, từ hình thức nuôi trồng truyền thống, đến nay đã chuyển sang nuôi trồng theo hình thức bán thâm canh và thâm canh. Một số loại thủy sản có giá trị cao cũng được người dân quan tâm đầu tư như: tôm hùm, cá biển, cua, ghẹ... sản lượng đánh bắt tăng bình quân hàng năm 8,2% (năm 1992 đạt 12.650 tấn, năm 2016 đạt 83.800 tấn).