Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Xem xét trách nhiệm nếu Lee & Man không khắc phục sự cố
Ngày: 4/3/2017 11:48:33 PM
Liên quan đến ô nhiễm môi trường xảy ra tại Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam, ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam thuộc Tổng cục Môi trường, cho biết sẽ xem xét trách nhiệm, nếu đơn vị này không khắc phục sự cố.

Tại buổi đối thoại với người dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường do Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông – Trung Quốc) gây ra, được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang vào chiều hôm nay (3-4), ông Trần Phong cho biết: “Giả sử còn mùi hôi, thì chúng ta sẽ bàn tiếp và nếu không khắc phục nữa, thì trách nhiệm chúng ta sẽ giải quyết. Không ai chấp nhận cho một hoạt động sản xuất mà gây tổn hại đến người dân. Không ai chấp nhận cả”.
 
Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online bên lề buổi đối thoại rằng trong trường hợp đã cho công ty khắc phục sự cố, mà vẫn tiếp tục xảy ra ô nhiễm thì xử lý như thế nào, ông Trần Phong, cho biết: “Khi làm xong mà mức độ chưa hoàn thành, mình lại tính tiếp. Tôi sẽ quay lại đây”.
 
“Có tính đến chuyện đóng cửa nhà máy hay không, nếu chủ đầu tư không khắc phục được?”, TBKTSG Online tiếp tục đặt câu hỏi và ông Phong, cho biết đóng cửa nhà máy là chuyện không ai mong muốn khi đã đầu tư rất nhiều, vì thế, bản thân chủ đầu tư phải tự lo. “Pháp luật Việt Nam quy định rất chặt chẽ. Qua các vụ việc về môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện giám sát và yêu cầu thực hiện rất nghiêm ngặt, nếu những ai bỏ qua cơ hội tự khắc phục, mà cố tình làm sai, thì họ phải trả giá là chuyện bình thường", ông cho biết. 
 
Chỉ hai ý kiến được nêu ra tại đối thoại
 
Tại buổi đối thoại chỉ có hai ý kiến của người dân được nêu lên, dù khi trao đổi với báo chí vẫn còn không ít người dân cho biết vẫn muốn hỏi tiếp. Tuy nhiên, phía đại diện đơn vị thực hiện buổi đối thoại viện lý do đây là hai ý kiến đại diện cho người dân nên kết thúc buổi đối thoại.
 
Trước đó, tại buổi đối thoại này, ông Phong cho biết Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đang trong quá trình vận hành thử nghiệm với thời hạn không quá 6 tháng để xác định tính hiệu quả của các công trình bảo vệ môi trường và hiện đã vận hành được hơn 3 tuần. “Quá trình vận hành có một số số khâu chưa thật sự ổn định”, ông Phong nói.
 
Cụ thể về bụi, theo ông Phong, phát sinh ở hai khâu, gồm trong kho chứa than đá do phần trên mái che và phần thân bị hở, làm phát sinh khi có gió; một nơi nữa là trên công trường thi công do xe chạy làm phát sinh bụi. “Tôi đã yêu cầu công ty lắp đặt hệ thống lưới để che toàn bộ và công ty cam kết trong tuần sau sẽ xong. Còn tất cả khu vực xe chạy thì phải phun nước. Tôi tin, với biện pháp công ty thực hiện như vậy, thì tuần sau sẽ kiểm soát được bụi”, ông cho biết.
 
Về tiếng ồn, tại thời điểm kiểm tra, tất cả các thông số điều trong quy chuẩn cho phép. “Tuy nhiên, vẫn còn hai khâu phải khắc phục thêm, đó là khâu giải nhiệt, làm mát nhà máy nhiệt điện và tại khu vực tiếp giáp bờ kênh”, ông cho biết.
 
Đối với mùi hôi, có tổng cộng 4 khu vực phát sinh, gồm thứ nhất, là nơi thu bùn từ hệ thống xử lý nước thải để đưa ra hệ thống ép bùn; thứ hai, từ nơi ép bùn đóng bánh rớt xuống thành bùn khô; thứ ba, là hệ thống hiếu khí và thứ tư là ở khu vực đốt khí mê tan dư của hệ thống xử lý. “Bốn khu vực này chúng tôi đã rà soát kỹ ba, bốn ngày nay và công ty đã lên phương án khắc phục nộp cho tổ giám sát và chúng tôi đã kiểm tra kỹ”, ông Phong cho biết.
 
Theo đó, phương án xử lý là khu vực bùn có mùi hồi, sau khi phân tích đạt yêu cầu sẽ đưa đi đốt trong nhà máy nhiệt điện. “Còn mùi hôi ở ba khu vực còn lại, khắc phục bằng cách đặt các hệ thống nhà kín và hệ thống máy khử mùi ozon lạnh cũng như đặt thêm tháp khử mùi và dự kiến chậm nhất ngày 5-5 sẽ xong toàn bộ”, ông cho biết.
 
Đề nghị các nhà khoa học giúp
 
Tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cho rằng người dân ở đây không biết gì về khoa học, do đó, việc nhà máy cam kết đảm bảo môi trường, nhưng có tốt hay không, người dân cũng không biết. Vì vậy, bà đề nghị để cho các nhà khoa học vào cuộc giúp làm rõ để tạo sự công bằng. “Ví dụ, những lúc tụi tôi phát hiện được sự cố môi trường, thì tụi tôi nhờ nhà khoa học đến lấy mẫu phân tích để mình có tiếng nói, có được hay không, chứ dân đâu biết cái gì”, bà Thủy cho biết.
 
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam, cho biết là được, nhưng kết quả chỉ có giá trị tham khảo cho cá nhân thôi vì không ai biết bà lấy mẫu có đại diện hay không, phương pháp phân tích ra sao, cho nên chỉ để biết thôi, chứ giá trị pháp lý để xử lý là không có. "Vì vậy, việc lấy mẫu phải được các cơ quan có chức năng trưng cầu, các đơn vị có khả năng kiểm định được cấp phép của nhà nước, có đủ năng lực kiểm định mới được", ông Phong cho biết.
(Nguồn:thesaigontimes.vn)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.