Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Việt Nam đứng đâu trong chuỗi giá trị sản phẩm?
Ngày: 4/21/2017 12:39:05 AM
“Vì sao Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thấp?” là câu hỏi được rất nhiều chuyên gia đặt ra từ lâu và câu trả lời cho câu hỏi này cũng được chỉ rõ: “Hàng hóa Việt Nam không có thương hiệu”.

 

 
 
Xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh trong vài năm trở lại đây, đạt trên 176 tỷ USD vào năm 2016. Mới đây, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2017 đạt gần 44,64 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kì năm 2016.
 
Thế nhưng, tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu sáng 20/4, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lại tỏ ra trăn trở khi nói về xuất khẩu, nói về chỗ đứng của Việt Nam trong chuỗi giá trị sản phẩm: “Chúng ta làm ra nhiều sản phẩm cho nhiều quốc gia nhưng vì sao mắt xích tham gia lại thấp như vậy?”.
 
Ông Hải cho rằng, trong chuỗi giá trị sản phẩm có “mắt xích then chốt”, nhưng hiện nay sản xuất công nghiệp của Việt Nam chưa “với được” mắt xích đó, mà chỉ là “mắt xích phụ thuộc”.
 
Còn ông Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh dẫn chứng: “Việt Nam làm nhiều cà phê nhưng chỉ bán được 2USD/kg trong khi xuất khẩu sang nước ngoài họ bán 200 USD/kg, tức là chúng ta chỉ được 1% trong giá trị đó trong khi công sức bỏ ra lớn.
 
Ông Nam cho rằng, chúng ta quan tâm đến kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng phải tính đến yếu tố bền vững. Bởi, như cách ví von của vị Viện trưởng thì đây “giống như người tham gia giao thông muốn đi nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn”.
 
Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương lại cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị. Mỗi doanh nghiệp chỉ cần làm 1 đến 2 khâu, nhưng phải nắm chắc mình có thể làm được gì và sẽ thay đổi được gì, tức là tăng giá trị gia tăng theo chức năng.
 
“Doanh nghiệp cứ làm những gì mình đang làm nhưng nâng cao năng suất lên. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, doanh nghiệp chỉ cần thay đổi cách quản lý thì năng suất đã tăng 10-15%”, ông Thành nói.
 
Nói về biện pháp để nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Nam cho biết, riêng khâu thương mại (tiêu thụ sản phẩm, bán hàng) là rất cần thiết và phải được đặc biệt quan tâm. Bởi, chúng ta làm ra nhiều sản phẩm nhưng vẫn thực hiện theo cách cũ là có hàng rồi mới đi tìm thị trường thì sẽ luôn luôn thất bại và bán rẻ.
 
“Sản xuất lớn thì thương mại cũng phải tổ chức lại, không thể bằng lòng với thương mại nhỏ lẻ, thỏa mãn với lối xây dựng tổ chức hệ thống thương mại nhỏ lẻ gây tổn thất lớn cho người nông dân và người tiêu dùng”, ông Nam nói.
 
Đáng chú ý, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, xuất khẩu nông sản là lĩnh vực đáng để Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn cả về chính sách lẫn nguồn lực. Bởi, Việt Nam có thế mạnh của nền nông nghiệp truyền thống, nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tài nguyên nông nghiệp phong phú, khí hậu đa dạng và thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Mặt khác, giá trị mặt hàng nông sản gần 100% là do lao động trong nước tạo ra. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao mở ra triển vọng to lớn cho xuất khẩu nông sản, đòi hỏi phải cấp bách đẩy mạnh, đổi mới hoạt động xúc tiến xuất khẩu nông sản.
 
(Nguồn:chinhphu.vn)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.