Hà Nội sẽ kiên quyết cho dừng hẳn những dự án treo, những dự án nằm ngoài quy hoạch chung đã được phê duyệt.
Đó là khẳng định của Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Phí Thái Bình, tại buổi chất vấn giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và những vấn đề dân sinh bức xúc của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 21/4.
Đề nghị tạm dừng 1/3 số dự án
Theo báo cáo của Tổ công tác rà soát các dự án trên địa bàn Hà Nội mở rộng, sau 5 tháng tiến hành rà soát với 744 dự án (chiếm khoảng 75.189 ha đất), trong đó có 306 đồ án quy hoạch đã có quyết định phê duyệt quy hoạch và đang nghiên cứu theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền; 438 dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư, trong đó có 213 dự án đã có quyết định thu hồi đất.
Đáng chú ý, trong số 744 dự án được rà soát thì có đến 389 dự án (chiếm 52%) là các khu đô thị, khu nhà ở, hỗn hợp với diện tích đất chiếm gần 40.000 ha. Các dự án thuộc khu công nghiệp, khu du lịch, cơ sở y tế, văn hóa chỉ chiếm trên dưới 10% mỗi loại.
Còn theo kết quả rà soát của Bộ Xây dựng thì trong số 318 dự án được rà soát có đến 107 dự án được Bộ này đề nghị tạm thời dừng lại, 153 dự án được tiếp tục triển khai nhưng cần điều chỉnh quy hoạch. Chỉ có 58 dự án được tiếp tục triển khai bình thường.
Theo Phó chủ tịch Phí Thái Bình, thực tế là Hà Nội mở rộng đang có tình trạng “bội thực” dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản. Lý do được đưa ra là bởi, trước khi hợp nhất, các địa phương đều “viện cớ” phát triển kinh tế - xã hội và nguyện vọng của chủ đầu tư để xem xét, phê duyệt và cấp phép cho nhiều đồ án, dự án.
Tuy nhiên, sau ngày hợp nhất Hà Nội, do nhiều chủ đầu tư đã không có năng lực và khả năng tài chính nên kết quả là có nhiều dự án bị “treo”, chậm tiến độ, thậm chí là đầu tư sai mục đích, gây lãng phí và tạo sự bất đồng trong quần chúng nhân dân.
Để khắc phục tình trạng trên, Phó chủ tịch Phí Thái Bình khẳng định, quan điểm của thành phố là không chạy theo số lượng mà coi trọng chất lượng từng dự án. Chính vì thế, trong thời gian tới, thành phố sẽ chỉ đạo kiểm tra “sức khỏe” các chủ đầu tư. Những dự án quá thời gian cho phép và không đủ sức đầu tư, nếu không có lí do chính đáng sẽ thu hồi lại.
Loại dự án nào bị tạm dừng?
Theo thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, thành phố sẽ tiến hành phân loại các đồ án, dự án đầu tư theo 4 nhóm chính.
Nhóm đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, có quyết định giao đất, san nền, giải phóng mặt bằng thì sẽ được phép tiếp tục triển khai.
Nhóm đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng cần điều chỉnh, bổ sung thông tin, thống nhất về hạ tầng kỹ thuật, quy mô, chức năng sử dụng đất…thì sẽ thuộc diện được xem xét tiếp tục triển khai nhưng cần phải điều chỉnh lại.
Nhóm các đồ án, dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng nhưng chưa phù hợp với quy hoạch chung vùng thủ đô sẽ thuộc diện đề nghị tạm dừng, chờ quy hoạch chung Hà Nội mở rộng.
Còn nhóm các đồ án, dự án nằm trong hành lang thoát lũ, các khu vực hạn chế xây dựng, không đảm bảo môi trường, không nằm trong định hướng các quy hoạch chung đã được phê duyệt... thì UBND thành phố sẽ đề nghị cho dừng hẳn, nhưng vẫn có chính sách hoàn trả chi phí, đảm bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư.
Dự kiến, đến cuối tháng 6 này, thành phố sẽ có báo cáo chính thức lên Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát các đồ án, dự án.
Phân loại không dễ
Theo nhiều đại biểu, dù có phân thành nhiều nhóm với các tiêu chí khác nhau thì việc rà soát, đánh giá và xử lý những vấn đề xung quanh các dự án là không hề đơn giản.
Theo bà Phạm Thị Loan (Chủ tịch Tập đoàn Việt Á, đại biểu quận Long Biên), đến nay, thành phố vẫn chưa có quy hoạch chung, chưa cơ sở, tiêu chí cụ thể để phân loại các dự án nên sẽ khó xác định được dự án nào cần được tiếp tục, dự án nào cần phải dừng lại.
Ở góc độ chính quyền, Phó chủ tịch Phí Thái Bình cũng thừa nhận những khó khăn trong việc triển khai, sắp xếp các dự án, thậm chí theo ông là khá phức tạp và nhạy cảm, bởi: phần lớn các dự án là của các địa phương, trước khi hợp nhất thì đều căn cứ vào mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đều phù hợp với quy định của pháp luật.
Đến nay, do yêu cầu của Hà Nội mở rộng phải rà soát, xem xét lại, sẽ khó tránh được những phân vân và gây tâm lý lo lắng cho các chủ đầu tư.
Cũng theo ông Phí Thái Bình, công tác thu thập hồ sơ, tài liệu của các dự án sẽ rất phức tạp vì việc quản lý hồ sơ, bản vẽ của các địa phương là không giống nhau, không thống nhất đầu mối, thậm chí là nhiều ban ngành, nhiều chủ đầu tư không cung cấp hồ sơ vì họ sợ dự án bị dừng lại…
Bên cạnh đó, một trong những yêu cầu, mục tiêu đặt ra trong đợt rà soát này là phải đánh giá các đồ án, dự án theo tiêu chí phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô, nhưng đến nay Thủ tướng mới phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, còn quy hoạch chung thì Bộ Xây dựng đang chỉ đạo tư vấn nước ngoài kết hợp với tư vấn trong nước nghiên cứu, xây dựng. Sớm nhất thì cũng phải đến cuối năm 2010 đồ án quy hoạch chung mới hoàn thành.
“Đây chính là những khó khăn hiện hữu cho việc phân loại các dự án mà thành phố đã nhìn thấy trước”, ông Bình nói.
Bí thư huyện Quốc Oai Đỗ Văn Quang thì cho rằng, ngay cả với những dự án được xem xét tiếp tục triển khai, nhưng cần điều chỉnh thì cơ chế xử lý sẽ như thế nào. Ông lấy ví dụ, huyện Quốc Oai có dự án nhà vườn công nghệ cao đã thu hồi đất 100% và đã đền bù cho người dân đến 50 tỉ đồng,nhưng nay thành phố yêu cầu phải thay đổi thì không biết sẽ phải xử lý như thế nào…
Để tạo điều kiện cho việc triển khai sắp xếp, xử lý các dự án, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, sắp tới, thành phố sẽ căn cứ vào 4 nhóm tiêu chí để phân loại các dự án, bao gồm: phù hợp với quy hoạch vùng Thủ đô, phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch chung Hà Nội mở rộng, phù hợp với định hướng các đồ án quy hoạch chung xây dựng trên địa bàn thành phố hoặc các đồ án mang tính chất đặc biệt như đê điều, an ninh quốc phòng, lơi ích công cộng, công trình 1000 năm Thăng Long…
Trên cơ sở 4 nhóm tiêu chí này, UBND thành phố sẽ chỉ đạo phân loại các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư theo nhóm. Những đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng được đề nghị tạm dừng chờ quy hoạch chung Hà Nội mở rộng sẽ gồm các đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt nhưng chưa phù hợp với quy hoạch vùng Thủ đô và nội dung nhiệm vụ quy hoạch chung Hà Nội mở rộng. Nhóm đồ án này sẽ được tiếp tục đánh giá sau khi quy hoạch chung Hà Nội được duyệt.