Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Thu hút vốn FDI - dấu mốc 30 năm và dự cảm tương lai
Ngày: 1/29/2018 12:39:05 PM
Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987. Trải qua 30 năm thực hiện, khu vực đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã không ngừng mở rộng và phát triển, đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Samsung

Thực tế, trong 30 năm qua, ĐTNN đã trở thành một khu vực phát triển năng động, đóng góp tích cực vào các thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội ở nước ta. ĐTNN đã bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn xã hội, khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế; tạo việc làm; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ cả về máy móc, thiết bị, tri thức và kinh nghiệm quản lý; góp phần trong việc hội nhập kinh tế quốc tế…
 
Sau 30 năm kể từ khi Luật ĐTNN tại Việt Nam được ban hành vào tháng 12/1987, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tính luỹ kế đến ngày 20/9/2017 trên phạm vi cả nước có 24.200 dự án FDI đang hoạt động và tổng vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt trên 167 tỷ USD bằng 54% tổng vốn đăng ký.
 
Trong số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đang dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 55,8 tỷ USD (chiếm gần 18%), Nhật Bản đứng thứ 2 với 46,1 tỷ USD tiếp theo là Singapore và Đài Loan.
 
Thực tế, trong suốt 30 năm qua, ĐTNN đã góp phần quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, chiếm khoảng 20-25% vốn đầu tư xã hội, tạo việc làm cho gần 3,7 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp, đóng góp khoảng 18% tổng thu ngân sách. Đặc biệt, FDI đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu. Đến nay khu vực FDI đang đóng góp trên 55% giá trị SLCN, trên 70% kim ngạch XK của cả nước. Một số dự án FDI đã góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng như dầu khí, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo... Sự có mặt của doanh nghiệp FDI tại VN cũng đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh.
 
Bên cạnh những thành tựu đạt được, khu vực ĐTNN còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như: hiệu quả tổng thể nguồn vốn ĐTNN chưa cao, giá trị gia tăng và khả năng tham gia chuỗi giá trị thấp, định hướng thu hút ĐTNN theo ngành, theo đối tác còn hạn chế, mục tiêu thu hút công nghệ chưa đạt được yêu cầu, hiệu ứng lan tỏa của khu vực ĐTNN sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế, còn tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường, thuế, chuyển giá của một số doanh nghiệp ĐTNN…
 
Trong thời gian qua, chúng ta đã tiến hành tổng kết 25 năm thu hút ĐTNN tại Việt Nam. Các hạn chế của khu vực ĐTNN đã được đề cập và đưa ra các giải pháp khắc phục. Trên thực tế, nhiều hạn chế của ĐTNN đã có chuyển biến tích cực như thủ tục hành chính được cải thiện đáng kể, hệ thống pháp luật chính sách dần được hoàn thiện và đồng bộ, môi trường đầu tư kinh doanh được nâng cao theo hướng minh bạch hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư…
 
Tuy nhiên, gần đây, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều nhân tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới và bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Thời gian tới, xu hướng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) dành cho Việt Nam sẽ giảm dần và không còn được hưởng ưu đãi cao. Các nước đang phát triển và các công ty xuyên quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới đang điều chỉnh chiến lược đối ngoại và kế hoạch đầu tư. Đồng thời, các nước đang phát triển luôn chủ trương cải thiện môi trường đầu tư nên tính cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt trong khu vực và quốc tế. Cùng với đó là sự tác động khủng khiếp đến từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0).
 

Từ bối cảnh và nhu cầu như vậy, việc đánh giá tình hình ĐTNN trong 30 năm qua, xác định rõ những mặt được và chưa được, phân tích chuyên sâu các hạn chế, bất cập của ĐTNN trong bối cảnh mới cũng như nguyên nhân, nhằm rút ra những giải pháp cho giai đoạn phát triển mới là hết sức cần thiết, đặc biệt quan trọng. Có như vậy, chúng ta mới tiến nhanh, tiến chắc và phát triển bền vững nền kinh tế. 

(Nguồn:Nhàđầutư)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.