Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Cơ hội có một không hai để thoát khỏi thân phận đang phát triển
Ngày: 5/23/2020 7:52:44 AM
Dòng vốn đầu tư quốc tế dịch chuyển cùng với sự sắp xếp lại chuỗi ứng toàn cầu, kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung được kích hoạt và nhất là trước tác động của đại dịch Covid-19, liệu có giúp Việt Nam có cơ hội vươn lên thoát khỏi nhóm nước đang phát triển?

 

 

Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn cho làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc sau khi Việt Nam đã làm được những điều khác biệt, thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa Ngọc Linh.

Tay chơi được chú ý

Trong kỳ họp tháng 5-2020, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, tiến tới phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Kết quả này có ý nghĩa rất lớn, nhất là đặt trong bối cảnh các nước thuộc EU đang bắt đầu mở cửa nền kinh tế trở lại, nhiều doanh nghiệp đang muốn tìm kiếm thêm các thị trường mới để có cơ hội sớm vượt qua khó khăn sau giai đoạn đình trệ vì dịch bệnh.

Đây sẽ là FTA thứ 13 của Việt Nam có hiệu lực kể từ năm 1993 đến nay. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đàm phán 3 FTA khác là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Việt Nam - EFTA gồm Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein và Việt Nam - Israel FTA. Có thể thấy nước ta chưa bao giờ tích cực tham gia hoạt động thương mại quốc tế tự do và chủ động hội nhập sâu rộng đến thế.

Samir Dixit, Giám đốc điều hành của Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam không nên lãng phí cơ hội để xây dựng tài sản thương hiệu quốc gia, bằng việc thể hiện khả năng sản xuất cho những mặt hàng mà thế giới đang rất cần tại thời điểm này.

Nhưng thông tin khiến nhiều người gần đây hào hứng nhất có lẽ là sự kiện Việt Nam cùng với hai nước khác là Hàn Quốc và New Zealand được mời tham gia thảo luận cùng nhóm bộ tứ kim cương (Quad) gồm bốn thành viên là Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, về các vấn đề như phát triển vaccin, thách thức từ việc công dân bị kẹt lại nước sở tại, điều phối thương mại, tái cấu trúc chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu tác động lên kinh tế toàn cầu.

Với việc mời thêm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand tham gia từ ngày 20-3 năm nay, nhóm Quad nay được gọi là bộ tứ mở rộng (Quad Plus).

Được biết nhóm Quad có xuất xứ từ năm 2004, khi đó bốn thành viên Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đã thành lập nhóm Nòng cốt khu vực (Regional Core Group), nhưng sau đó bị quên lãng từ năm 2008 và rồi được chú ý trở lại từ cuối năm 2017 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vạch ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thay thế cho mục tiêu xoay trục châu Á - Thái Bình Dương trước đây, để làm đối sách chủ chốt của Mỹ ở châu Á, nhằm giữ vai trò quan trọng đối với an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ trong khu vực.

Mục tiêu cốt lõi của chiến lược mới là nhằm xây dựng một trục liên minh “bộ tứ” gồm bốn nước lớn là Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ để kiềm chế, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực, giành quyền chủ đạo, kiểm soát toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đảm bảo thương mại tự do, công bằng, môi trường đầu tư mở, giám sát nhà nước hiệu quả và tự do hàng hải, củng cố nền hòa bình và thịnh vượng cho khu vực.

Còn theo giới phân tích, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cách đây hai năm, việc xây dựng lại mạng lưới kinh tế thịnh vượng này của Mỹ nhằm đối trọng với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), do Trung Quốc dẫn đầu và dự kiến được ký kết trong năm 2020, cũng như Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc vốn đang thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Về phần mình, Trung Quốc cũng cho rằng Mỹ đang muốn thông qua Quad Plus để chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc càng nhanh càng tốt, và rằng điều này bất lợi cho Trung Quốc.

Có tận dụng tốt cơ hội?

Dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc là do bị ảnh hưởng bởi thương chiến và dịch bệnh, nhưng một phần cũng đến từ việc nhiều dự án nước này đã đến giai đoạn thải hồi và chính quyền Trung Quốc không muốn mở rộng, đầu tư thêm, nên nhà đầu tư buộc phải tìm kiếm những nước khác thay thế, vì vậy việc chọn lọc dự án là điều tối quan trọng.

Sự kiện Việt Nam - quốc gia thuộc nhóm đang phát triển duy nhất tính cho đến thời điểm này, được mời tham gia Quad Plus có lẽ khiến không ít người ngạc nhiên.

Tuy nhiên, nhìn vào những FTA mà Việt Nam liên tiếp ký kết trong nhiều năm qua, thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư quốc tế dịch chuyển, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu, vai trò và vị thế gia tăng trên trường quốc tế, có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực, quan hệ với “bộ tứ” nói chung và với Mỹ nói riêng ngày càng được nâng cấp và trở nên sâu sắc, thì cơ hội dành cho Việt Nam là rất lớn.

Kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra cho đến đại dịch Covid-19 gần đây, Việt Nam thu hút được sự chú ý khá lớn từ cộng đồng quốc tế, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhiều lần nhắc đến qua các dòng Twitter của ông. Cũng cách đây đúng một năm, Tổng thống Donald Trump cảnh báo về một cuộc “đào tẩu” của các nhà đầu tư đang hiện diện tại Trung Quốc mà điểm đến mới có thể là Việt Nam.

Gần đây hơn, vào đầu tháng 4, ông cám ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giao nhận và phê duyệt để đẩy nhanh việc chuyển giao trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho Mỹ, nhằm giải quyết nhu cầu khẩn cấp của nhân viên y tế nước này.

Việc tăng cường thắt chặt mối quan hệ với các nước lớn thông qua các hiệp định, mạng lưới quan hệ, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam nếu biết tận dụng cơ hội, từ việc an ninh chính trị, kinh tế của Việt Nam được đảm bảo hơn khi có thể đa dạng hóa đối tác, thị trường, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định, cho đến tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện nâng cao tay nghề lao động và năng lực cạnh tranh, tăng cường nội lực.

Theo báo cáo của U.S. News & World Report, Việt Nam đứng vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc, từ vị trí 23 năm 2018. Còn theo Công ty Tư vấn A.T Kearney, Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu.

Đây cũng là cơ hội để Việt Nam gia tăng thương hiệu quốc gia, thu hẹp chênh lệch thu nhập bình quân đầu người với các nước phát triển. Theo các chuyên gia kinh tế, đại dịch lần này có thể kéo một số nền kinh tế chậm lại nhưng cũng là cơ hội để nhiều nền kinh tế khác vươn lên nếu có giải pháp ứng phó rủi ro và tận dụng tốt cơ hội cuộc khủng hoảng mang lại.

Trong báo cáo tháng 5, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, “Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn cho làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc sau khi Việt Nam đã làm được những điều khác biệt, thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”. Samir Dixit, Giám đốc điều hành của Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam không nên lãng phí cơ hội để xây dựng tài sản thương hiệu quốc gia, bằng việc thể hiện khả năng sản xuất cho những mặt hàng mà thế giới đang rất cần tại thời điểm này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây cũng khẳng định, “Covid-19 là đại dịch, nhưng là cơ hội phát triển của Việt Nam nếu biết tổ chức quản lý nhà nước tốt, kinh doanh tốt, hợp tác tốt”.

Cải cách và tiếp cận phù hợp

Việt Nam phải đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trước ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua. Ảnh minh họa Lê Hoàng.

Để đón lấy cơ hội lớn này, giới phân tích cho rằng Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đặc biệt tập trung phát triển các điều kiện y tế và giáo dục, đảm bảo có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho giai đoạn phát triển kế tiếp, chọn lọc các dự án đầu tư có hàm lượng chất xám, công nghệ cao, khi mà cơ hội đón vốn ngoại lần này được cho là lớn hơn bao giờ hết, không chỉ từ Hàn Quốc, Nhật Bản,... mà có thể còn từ các tập đoàn lớn của Mỹ như Apple.

Song song đó, nên tập trung nguồn lực để quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, tháo điểm nghẽn cho tăng trưởng và thu hút đầu tư, nâng cao trình độ quản trị và minh bạch chính sách. Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam nên có thêm các biện pháp mạnh mẽ hơn, như đẩy mạnh giải ngân đầu tư, nhất là đầu tư công, bên cạnh đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trước ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua.

Còn Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Eric Sidgwick, thì tin rằng Việt Nam cần cải thiện chính sách hơn nữa để hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Hành lang pháp lý thuận lợi hơn sẽ giúp Việt Nam phát triển các dịch vụ theo cả chiều sâu và chiều rộng.

Tuy nhiên, cũng có một số điều cần thận trọng lưu ý. Thứ nhất, dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc là do bị ảnh hưởng bởi thương chiến và dịch bệnh, nhưng một phần cũng đến từ việc nhiều dự án tại nước này đã đến giai đoạn thải hồi và chính quyền Trung Quốc không muốn mở rộng, đầu tư thêm vì lợi ích, chuỗi giá trị thấp, nên nhà đầu tư buộc phải tìm kiếm những nước khác thay thế, vì vậy việc chọn lọc dự án là điều tối quan trọng.

Thứ hai, việc thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ tất yếu sẽ va chạm với sáng kiến BRI của Trung Quốc, mà giới phân tích chính trị cho rằng có nguy cơ đẩy khu vực này vào tình trạng căng thẳng, cạnh tranh thường trực, nhất là tại những “điểm nóng”, như biển Đông, biển Hoa Đông, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và bán đảo Triều Tiên, làm cho cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp hơn.

Thứ ba, bầu cử tổng thống Mỹ 2020 sẽ có kết quả vào đầu tháng 11 tới. Câu hỏi đặt ra là liệu trong trường hợp ông Trump không trúng cử và một tổng thống mới lên, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay chương trình Quad Plus có còn được ưu tiên và tiếp tục triển khai? Cần nhớ rằng khi ông Trump lên thay ông Obama, Hiệp định TPP mà ông Obama đã mất nhiều năm theo đuổi, đã bị ông Trump loại ra khỏi các chương trình nghị sự.

Hoặc ngay cả trường hợp ông Trump tái đắc cử, cũng chưa chắc chương trình này sẽ được tiếp tục đẩy mạnh, vì không loại trừ khả năng ông chỉ đang sử dụng chiến lược này để thu hút sự chú ý nhằm ghi điểm với cử tri cho kỳ tái tranh cử.

Vì vậy, đối với Việt Nam, điều quan trọng nhất là khi tham gia hợp tác khu vực, cần có chiến lược và cách tiếp cận phù hợp, để không chỉ tận dụng các cơ hội và bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, mà còn phải đảm bảo không bị rơi vào vòng xoáy, tranh đua lợi ích giữa các cường quốc.

(Nguồn:TBKTSG)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.