Theo báo cáo của McKinsey vào ngày 4/4, nguy cơ xảy ra các thảm họa như vậy có thể tăng gấp 5 đến 10 lần vào năm 2050, dẫn đến các tác động tiêu cực kinh tế và cơ sở hạ tầng, có thể gây thiệt hại hàng tỷ USD. Phân tích dựa trên các mô phỏng thủy văn, bản đồ sử dụng đất, cơ sở dữ liệu cơ sở hạ tầng và các đường cong thiệt hại.
Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp khoảng một phần tư GDP của Việt Nam. Trong khi đô thị hiện nay vẫn còn có thể đối phó với các rủi ro lũ lụt (ảnh hưởng đến 23% diện tích), thì quá trình đô thị hóa tiếp theo đang làm tăng nguy cơ sụt lún đất và tăng mực nước biển. Những điều này có thể gây ra khoảng 8,4 tỷ USD thiệt hại cho ngành bất động sản vì lũ lụt vào năm 2050, gấp 6 lần tác động ước tính hiện tại, McKinsey nói.
Trong trường hợp xấu nhất, nước biển có thể tăng tới mốc 1,8 mét cho đến cuối thế kỷ 21, 2/3 thành phố có nguy cơ đối mặt với trận ngập lịch sử.
Viện McKinsey Global viết: "Nếu không nỗ lực ngăn chặn tác động của việc mực nước biển tăng cao do biến đổi khí hậu, đồng thời cải thiện quy hoạch đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm cùng nhiều sự kiện thời tiết bất thường có thể ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn.
Việt Nam được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới vào năm 2050, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm là 5,1% theo ước tính của PricewaterhouseCoopers.
Dù đưa ra viễn cảnh xấu nhất, trưởng nhóm nghiên cứu nói với Channel News Asia rằng báo cáo này không phải để cảnh báo, mà là để "cung cấp cho các bên liên quan hiểu biết về các nguy cơ cũng như tác động kinh tế - xã hội mà thảm họa mang lại, từ đó đưa ra chương trình hành động để quản lý rủi ro".
"Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn ở giai đoạn đầu trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Họ có nhiều lựa chọn để vừa duy trì tăng trưởng ấn tượng, vừa giảm tác động của biến đổi khí hậu", bà Mekala Krishnan - Chuyên gia cấp cao của Viện McKinsey Global nhận xét.