Khu đất này ngoài giáp các khu dân cư thì còn ở vị thế giáp đường TL359, giáp dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, giáp kênh Phán Đạt và quy hoạch đường vành đai 3 thành phố Hải Phòng. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.141 tỷ đồng và được đề xuất hoạt động trong 70 năm, dự kiến đưa hạ tầng khu công nghiệp vào hoạt động kinh doanh trong quý IV/2024.
Được biết, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đang lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung dự án trước khi tổng hợp, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Chính phủ xem xét, có ý kiến.
Khu công nghiệp Thủy Nguyên có diện tích khoảng 3,2 triệu m2 thuộc địa giới hành chính của các xã: Trung Hà, Thủy Triều, An Lư, Ngũ Lão, Lập Lễ. Phạm vi bao gồm một phần khu đất CN-02 trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về tính chất, đây là khu công nghiệp tổng hợp, ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ, kỹ thuật cao; được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại và quản lý theo tiêu chí phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Hiện, Hải Phòng vẫn còn gần 5.000ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục ưu tiên phát triển các Khu công nghiệp như: Khu công nghiệp An Hưng - Đại Bản, Ngũ Phúc, Giang Biên 2, đóng tàu Vinh Quang, Nomura (giai đoạn 2) chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Các Khu công nghiệp Tiên Thanh, Cầu Cựu, Khu công nghiệp - đô thị Tràng Cát mặc dù đã được thành phố Hải Phòng phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nguyên nhân được xác định do có nhà đầu tư chưa đủ năng lực tài chính thực hiện dự án; việc giải phóng mặt bằng đối với một số dự án phát triển khu công nghiệp bị chậm tiến độ do liên quan đến thu hồi đất ở, đất nông nghiệp khiến các Khu công nghiệp Nam cầu Kiền, Tràng Duệ, An Dương chưa thể đưa hết diện tích đất được quy hoạch vào làm khu công nghiệp. Một số khu công nghiệp được thành phố Hải Phòng phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng không tìm được chủ đầu tư do quy hoạch không thuận lợi về kết cấu hạ tầng, giao thông trong khu vực.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, Hải Phòng đang đẩy mạnh việc xây dựng các tuyến giao thông như: Dự án đường trục giao thông nối Khu công nghiệp Đình Vũ với Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, tuyến đê biển Nam Đình Vũ, đường trục giao thông chính Khu đô thị và công nghiệp Bến Rừng, dự án tuyến đường vành đai 3, đường ven biển nhằm xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ tại các vùng bãi bồi ven sông, ven biển để phát triển các khu công nghiệp tại các khu vực này.
Ngoài việc xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối giữa các khu công nghiệp với hệ thống giao thông khu vực, để thu hút nhà đầu tư, Hải Phòng sẽ hỗ trợ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải, các giải pháp bảo vệ môi trường nhằm giảm suất đầu tư, kéo giảm giá thuê đất cho các nhà đầu tư thứ cấp, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, sản xuất tại khu công nghiệp.